Từ khi còn bé xíu cho tới tận bây giờ, mùi hương của thịt kho hột vịt tỏa ra từ căn bếp của mọi gia đình, chính là thứ đã giúp nhiều người nhận biết rằng Tết sắp về. Đối với người miền Nam, món thịt kho hột vịt gần như trở thành món ăn chính trong bữa cơm cúng cuối năm. Và nó cũng được coi là món ăn chủ lực xuyên suốt các ngày Tết sau đó của hầu hết các gia đình.
Mặc dù trong mâm cỗ Tết của người miền Nam có thêm nhiều món ăn khác như canh khổ qua, bánh tét, củ kiệu tôm khô, gỏi gà,... nhưng chỉ cần một nồi thịt kho hột vịt thôi cũng đã đủ tượng trưng cho một mâm cỗ Tết đơn giản mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người miền Nam rồi.
Thịt kho hột vịt còn được nhiều người gọi là thịt kho tàu. Nhiều người khi thoạt đầu nghe 2 chữ "kho tàu" thì cứ chắc mẩm đây là món ăn bắt nguồn từ người Hoa (hay còn gọi là người Tàu). Nhưng thực ra không phải vậy! Có riêng hẳn một câu chuyện để giải thích cho nguồn gốc của món thịt kho này đấy.
Nhiều người truyền tai nhau rằng, xa xưa, khi các con tàu, thuyền ra khơi, người ta thường lựa chọn những món ăn có thể giữ được lâu ngày, đủ thời gian mà họ lênh đênh trên biển. Và họ đã nghĩ đến món thịt kho với nước dừa. Và cũng chính vì món ăn này được thưởng thức ở trên tàu, nên họ mới gọi là món "thịt kho tàu".
Và đương nhiên, cũng không phải ngẫu nhiên mà món thịt kho tàu với hột vịt này lại được lựa chọn làm món ăn chủ lực trong những dịp lễ Tết của người miền Nam. Miếng thịt kho tàu thì biểu tượng cho phần âm, còn hột vịt lại biểu tượng cho phần dương. Sự kết hợp cực hoàn hảo giữa 2 nguyên liệu này trong món ăn thể hiện sự trọn vẹn, đủ đầy. Nó thể hiện cho những ước mơ, khao khát về một năm mới sung túc, an bình của con người nơi đây.
Nguyên liệu chính trong nồi thịt kho hột vịt thì nhà nào cũng giống nhà nào. Thế nhưng, cái tài nghệ riêng của mỗi người đứng bếp thì lại thổi hồn vào nồi thịt kho những hương vị khác nhau.
Cũng cùng là thịt ba chỉ, hột trứng vịt, nước dừa xiêm. Chỉ là, lượng thịt là bao nhiêu kí, trứng hột vịt bao nhiêu quả mà cái cách tẩm ướp gia vị vào khác nhau như thế nào mà thôi. Có người thì nói, ướp cùng với đường thì thịt kho sẽ có mỡ trong hơn, khi ăn sẽ bùi hơn. Còn có người lại nói, ướp thịt cùng mật ong rồi sau đó bỏ nước cốt chanh vào sẽ giúp cho thịt ngon, mềm và vị thanh hơn. Rồi tiếp đến nào là hành, tỏi, nước màu ướp, nước mắm,...
Nồi thịt kho hột vịt càng kho lâu thì lại càng ngon. Miếng thịt ba chỉ trở nên mềm mại. Phần mỡ lại càng phao hơn. Bỏ miếng thịt vào miệng mà cảm nhận như thịt đang tan trong miêng, bùi bùi, ngầy ngậy vô cùng.
Nồi thịt kho của người miền Nam có thể ăn kéo dài đến khi nào hết Tết thì thôi. Có khi, chỉ cần kho 1 nồi là cả gia đình đủ ăn trong hết cả dịp Tết rồi. Đương nhiên, họ sẽ vẫn ăn kèm với cả những món ăn khác nữa. Nhưng đôi khi, nhà nào có người đứng bếp khéo tay quá, thịt kho bị tụi nhỏ chén bay trong vòng một nốt nhạc nhưng phần nước thịt kho còn lại nhiều, thì ăn cùng với cơm cá vẫn cứ thấy ngon hết mức.
Thiếu nồi thịt kho hột vịt cũng đồng nghĩa với việc thiếu đi cái hương vị thân quen của Tết cổ truyền của người miền Nam. Có thể nồi thịt kho hột vịt không làm nên trọn đầy một cái Tết nhưng chắc chắn rằng Tết phải có một nồi thịt kho hột vịt. Nói cách khác thịt kho hột vịt không đơn thuần là món ăn mà còn là tuổi thơ, là nét văn hoá của rất nhiều thế hệ người miền Nam dù ở tại Việt Nam hay nước ngoài.
Bình luận