Hai loại bánh đúc ngon mắt lạ miệng của người miền Nam
- LAM
- Đăng lúc: Thứ sáu, 09/10/2020 12:52 (GMT +7)
Bánh đúc đối với người miền Nam là một món ăn bình dị, dân dã và chứa đầy hoài niệm.
Bánh đúc đơn giản, dễ ăn lại dễ tiêu nên sớm đã trở thành một món ăn quen thuộc của mọi nhà. Tùy theo cách ăn của mỗi địa phương mà có nhiều loại bánh đúc khách nhau. Riêng miền Nam có 2 loại bánh đúc nổi bật đó là bánh đúc ngọt và bánh đúc mặn. Bánh đúc ngọt và bánh đúc mặn đều là những thức quà quê vô cùng trân quý của tuổi thơ. Nhớ lúc nhỏ cứ ngồi ngoài hiên trông má đi chợ về, bụng cồn cào mà thèm món bánh đúc bình dị chẳng đáng bao đồng, đó thật sự là kỷ niệm khó quên.
Bánh đúc ngọt
Bánh đúc ngọt hay còn gọi là bánh đúc cẩm thạch, là một món ăn vừa ngon miệng lại vừa đẹp mắt khiến bao thực khách thích thú. Miếng bánh đúc dai mà mềm, ngọt lại béo, màu trắng trắng xanh xanh như vân đá cẩm thạch khiến miếng bánh cho vào miệng càng thêm ngon. Cách làm bánh đúc ngọt khá đơn giản. Chỉ cần bột năng pha với nước cốt dừa và dùng nước cốt lá dứa, sau đó bắt xửng lên hấp. Quan trọng nhất là khâu pha bột, phải thật khéo léo để bột trắng và bột màu không hòa lại vào nhau mà tạo thành đường vân như đá cẩm thạch rất đặc trưng của món ăn này.
Khi ăn bánh đúc ngọt, cắt thành miếng vuông nhỏ, rưới lên trên nước cốt dừa đã nấu qua với đường và gừng, lại rắc ít mè trắng đã được rang thơm, đơn giản mà lại là mỹ vị. Miếng bánh đúc đẹp như miếng đá cẩm thạch, ăn dai dai, hòa với mùi lá dứa, mùì mè rang thơm lừng, nước cốt dừa béo ngậy và tí gừng âm ấm bụng, ấm cả lòng người con “đói” thứ quà quê của một tuổi thơ đầy hoài niệm.
Bánh đúc mặn
Bánh đúc mặn ở miền Nam gọi một cách đơn giản và gần gũi đó là bánh mặn. Để có được một dĩa bánh đúc mặn thơm ngon vô cùng kỳ công. Từ khâu pha bột đã vô cùng phức tạp, tỉ lệ bột gạo, bột năng, nước cốt dừa phải thật tỉ mỉ thì bánh đúc khi thành phẩm mới được béo, dẻo mềm vừa đủ và không dễ bị nát. Khâu đúc bánh cũng là bắt xửng lên hấp như bánh đúc ngọt. Riêng bánh đúc mặn có thêm phần nhân bánh và nước mắm ăn kèm. Nhân bánh làm từ củ sắn (miền Bắc gọi là củ đậu) được xắt hạt lựu, xào chung với thịt và tôm khô.
Bánh đúc mặn khi ăn nên ăn kèm với ít giá dỗ đã trụng qua nước sôi, nước mắm tỏi ớt và ít đồ chua để không bị ngán. Bánh phải để thật nguội ăn mới ngon vì lúc đó bột dẻo hơn, mịn màng, béo ngậy và tan trong miệng. Miếng bánh được đúc ra trắng ngần, béo ngậy vị nước cốt dừa kết hợp với nhân tôm thịt thơm lừng, kèm với nước mắm tỏi ớt mặn mặn ngọt ngọt khiến ai ăn qua một lần cũng sẽ xao xuyến mãi.
Hai loại bánh đúc này không chỉ đơn giản là món ăn ngon, bình dị mà đã sớm trở thành những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Đừng vội bỏ qua nếu bạn chưa thử, biết đâu, lại phải lòng “món ăn kỷ niệm” này đó!”