1. Bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi bánh chay là hai thứ bánh gắn liền với dịp Tết Hàn thực của người miền Bắc. Nguyên liệu để làm nên hai thứ bánh này chính là bột gạo tẻ và gạo nếp xay nhuyễn theo tỷ lệ 9:1 hoặc 8:2. Ngày xưa bột nước thường được cho vào túi vải treo qua đêm để nước chảy hết, chỉ còn lại thứ bột mềm dẻo, mịn màng. Để làm bánh trôi, người ta thường chia bột thành từng phần nhỏ cỡ đốt ngón tay cái người lớn, vê tròn, thêm nhân mật mía rồi đem luộc cho đến khi bánh nổi lên. Lúc này những viên bánh đã chín tròn xoe, trắng trong được vớt vào âu nước lạnh rồi cho ra đĩa và rắc thêm vừng.
Bánh chay được làm từ cùng một thứ bột, nhưng viên bánh chay to hơn, có đường khoảng 3 đến 3,5 cm. Nhân bánh chay làm từ đậu xanh đãi vỏ, đồ chín, giã nhuyễn với chút đường. Sau khi luộc, bánh chay được cho ra bát và chan nước bột sắn dây quấy với chút nước gừng sóng sánh.
2. Bánh giầy
Bánh giầy (cũng có nơi gọi là bánh dày) là một loại bánh truyền thống của người Việt, gắn liền với sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp giã mịn, phần nhân bánh có hai loại, nhân ngọt bằng đỗ xanh ngào dừa sợi và đường, còn nhân mặn cũng từ đỗ xanh nhưng xào với thịt lợn thái nhỏ, thêm tiêu và gia vị.
Ngoài ra, có một loại bánh giầy không nhận, được là hoàn toàn từ bột nếp dẻo quánh, nặn thành từng miếng hình tròn cỡ bằng lòng bàn tay, mịn màng. Bánh giầy không nhân thường bán theo cặp và ăn cùng giò hoặc chả.
3. Bánh giò
Bánh giò là món quà sáng hay món ăn lỡ buổi được nhiều người yêu thích. Bánh giò được làm từ bột tẻ, gói lá chuối, có hình nhô cao khum khum như bàn tay úp ngược. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai có kèm mộc nhĩ, hành tím khô, hạt tiêu, nước mắm, muối. Có nơi còn cho thêm cả trứng cút. Bánh giò là thứ bánh ăn nóng, ngon nhất khi bóc ra chiếc bánh hãy còn nóng hổi, thơm lừng và nghi ngút khói. Bánh giò ăn không đã ngon, nhưng cũng có thể ăn kèm với nhiều món khác như giò tai, chả quế, chả cốm và dưa góp để tăng hương vị của món ăn.
4. Bánh nếp
Đúng như tên gọi, bánh nếp được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp. Bánh có thể làm từ bột ướt – là loại bột xay từ gạo đã ngâm hoặc bột khô – xay từ gạo khô. Nhân bánh có đậu xanh, thịt mỡ, nấm hương, mộc nhĩ. Bánh được gói trong lá chuối hoặc lá dong rồi hấp chín. Ngoài bánh nếp truyền thống, một số nơi còn làm bánh nếp gấc hay cho thêm nước xay lá nếp có màu xanh để tạo màu sắc cho bánh.
5. Bánh đúc
Bánh đúc là loại bánh truyền thống, là một thức “quà quê” thịnh hành ở cả ba miền. Sở dĩ như vậy bởi bánh đúc có vị giòn, mát, mịn, dễ ăn và giá thành lại rẻ. Bánh đúc được làm từ bột gạo. Trước khi đem xay, gao được ngâm với nước vôi trong ít nhất là 10 tiếng. Sau khi xay, bột gạo được quấy trên bếp nhỏ lửa cho đến khi đặc sệt lại, không dính đũa thì tắt bếp. Bánh đúc thường được cho thêm lạc hoặc dừa, đổ thành từng tảng to, khi ăn cắt thành miếng nhỏ chấm với tương.
Ngoài loại bánh đúc nguội, còn có món bánh đúc nóng thường được bán vào mùa thu và mùa đông, khi trời đã trở lạnh. Bánh đúc nóng được quấy mềm, khi ăn thêm nhận thịt băm xào cùng nấm mộc nhĩ và chan nước mắm chua ngọt. Đây cũng là một món ăn vặt được nhiều người yêu thích.
Bình luận