Hàn Quốc: Số ca trầm cảm lên mức kỷ lục

Số ca trầm cảm trong 6 tháng đầu năm ở Hàn Quốc tăng đến mức kỷ lục.

Tại Hàn Quốc, tự tử - vốn là nhức nhối đang ngày càng leo thang. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những ca tự tử ở phụ nữ trong độ tuổi 20, chiếm 1.924 số trường hợp trong nửa đầu năm 2020.

Dựa trên các nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử ở phụ nữ trẻ đã tăng lên mức báo động vào tháng 4, thời gian cao điểm của Covid-19 tại Hàn Quốc. Theo đó, khi dịch xảy ra, các công sở, công ty sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, cơ hội tụ họp gia đình và bạn bè tiêu tan do tình trạng phong tỏa đã ảnh hưởng đến không ít người.

Covid-19 mang đến nỗi lo bệnh tật, khủng hoảng thu nhập, lo lắng bất an cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ.

Thống kê cho thấy số phụ nữ có ý định tự tử thường xuyên hơn nam giới gấp 1,5 lần. Trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch, phụ nữ Seoul trong độ tuổi 20 cố gắng tự tử nhiều gấp 5 lần so với bất cứ nhóm đối tượng nào khác.

Nhiều trường hợp tuy không tự tử nhưng chọn cách ngược đãi bản thân.

Thống kê của chính phủ Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2020 cũng chỉ ra rằng số người cố ý ngược đãi bản thân tăng gần 36% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giáo sư David Tizzard, khoa giáo dục tại Đại học Phụ nữ Seoul cho hay, Covid-19 đã chất thêm lớp căng thẳng khác lên một xã hội vốn đầy áp lực, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ tuổi.

Nhiều người ám ảnh đến mức cực đoan, kèm theo đó là tốc độ phát triển của mạng xã hội càng góp phần làm gia tăng tỷ lệ trầm cảm.

Trầm cảm được coi là "khủng hoảng xã hội", thay vì vấn đề cá nhân.

Tiến sĩ tâm thần Kwon Jun-soo nói rằng đối với phụ nữ thì các vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm phổ biến hơn hẳn.

Cũng liên quan tới vấn đề này, giáo sư Jang Soong-nang, trường Cao đẳng Điều dưỡng Chữ thập đỏ, giải thích nguyên nhân phụ nữ ở đất nước này mắc chứng trầm cảm nhiều hơn nam giới là do họ đại diện cho lực lượng lao động không chính thức và được trả lương thấp. Do đó, phụ nữ luôn cảm thấy thiếu an toàn trong không gian công cộng, thậm chí nhiều người từng bị lạm dụng trong một mối quan hệ.

Đặc biệt khi đại dịch xảy ra thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, Lee Eun-ju, thuộc Đảng Công lý cho hay, lệnh giãn cách xã hội đã gây ra đau khổ về tinh thần, thậm chí nó được coi là "khủng hoảng xã hội", thay vì vấn đề cá nhân.

Bài liên quan

News feed