Hỏa hoạn: Ba bí quyết thoát hiểm nhất định phải thuộc nằm lòng
- Phi Lu
- Đăng lúc: Thứ hai, 30/11/2020 15:15 (GMT +7)
Đại úy Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ 3 kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn với nhà ống, nhà liền kề, chung cư và Trung tâm thương mại.
Khi xảy ra cháy, bạn cần phải bình tĩnh và tìm cách bảo vệ cơ quan hô hấp với mặt nạ hoặc vải ướt rồi di chuyển thoát hiểm. Khi xảy ra cháy tâm lý chung của tất cả mọi người là hoảng loạn nên việc trấn tĩnh lại rất quan trọng bởi nếu không bạn sẽ không thể nghĩ ra cách thoát nạn tốt nhất có thể. Việc bảo vệ cơ quan hô hấp cho bản thân và người thân vô cùng quan trọng bởi 80% số người chết trong đám cháy là do ngạt khói, ngạt khí độc. Nếu hít phải khói liên tục, một người bình thường, sức khỏe tốt sẽ bị ngắt thở sau 1-4 phút.
Nhà ống, nhà liền kề
Việc đầu tiên là bạn phải xem đám cháy ở đâu và lập tức dùng quần áo, vật dụng làm bằng vải cotton nhúng ướt để che lên mũi và miệng, bảo vệ cơ quan hô hấp cho mình và người thân. Khi cháy, khói bay lên cao nên bạn cần di chuyển thấp người, đi khom, giữ khoảng cách từ mũi đến mặt đất từ 80 - 100cm. Nếu tường, trần bị sụp đổ bạn hãy bò men theo tường để ra cửa. Không nên nấp trong nhà tắm vì bạn dễ bị ngạt khói.
Nếu cháy ở tầng thấp, bạn lại đang trên tầng cao và không thể ra ngoài thì cần di chuyển lên tầng cao nhất (sân thượng) hoặc ban công bởi đây là khu vực thông thoáng. Nếu ở sân thượng có vòi nước bạn có thể làm ướt bề mặt tường, sàn và người. Nếu đã đến phòng xa nhất, khói khí độc bắt đầu lùa vào hoặc lửa cháy ngay trước cửa, bạn hãy nhúng ướt giẻ, quần áo rồi bịt các khe cửa hoặc dán kín bằng băng dính. Sau đó nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to hoặc ra tín hiệu báo cho những người xung quanh, đồng thời gọi điện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy theo số 114.
Để phòng xa khi thiết kế nhà ống, nhà liền kề bạn luôn phải làm lối thoát nạn phụ, khi làm chuồng cọp cũng cần làm thêm cửa để trong trường hợp cấp bách, không thể thoát theo lối cửa chính thì có thể thoát sang hàng xóm hay thoát ra ngoài bằng cửa phụ với nhiều cách khác nhau.
Khi có cháy, bạn gọi cho bất kỳ ai cũng nhớ thông tin ngắn gọn, chính xác: địa chỉ nơi cháy, trong phòng có mấy người, ai tự di chuyển được, ai bị thương và tình trạng vết thương để lực lượng cứu hộ lên phương án ứng phó.
Chung cư, nhà cao tầng
Theo quy chuẩn xây dựng hiện nay, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có ít nhất hai lối cầu thang bộ thoát nạn. Cầu thang này chỉ được phép mở khi có cháy, nổ và trường hợp khẩn cấp. Do đó, việc đầu tiên phải cảnh báo cư dân chung cư là tuyệt đối không mở cửa thang thoát hiểm, trừ khi có cháy và các tai nạn, sự cố.
Khi có báo động, bạn sử dụng khăn vải ướt nhúng nước, mặt nạ lọc độc, bảo vệ cơ quan hô hấp, kiểm tra hành lang, cầu thang thoát hiểm. Nếu thang không nhiễm khói, bạn bình tĩnh di chuyển theo lối cầu thang bộ ra ngoài tòa nhà, tránh vội vàng, hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau. Nếu cầu thang thoát hiểm đã bị nhiễm khói độc, bạn không thể đi xuống mà nên nhanh chóng di chuyển lên trên, cách nơi bị cháy 3 - 4 tầng, không cần phải chạy lên sân thượng.
Trường hợp khói khí độc bắt đầu lùa vào hành lang, ngay trước cửa phòng, bạn cần nhúng ướt giẻ, quần áo rồi bịt các khe cửa hoặc dán kín bằng băng dính. Sau đó chạy ra ban công kêu cứu đồng thời gọi cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114.
Trung tâm thương mại
Khi hỏa hoạn, thường hệ thống điện trong trung tâm thương mại sẽ bị ngắt. Thay vào đó, đèn chiếu sáng sự cố cùng đèn exit vẫn sáng, chỉ dẫn cho bạn lối ra an toàn. Trung tâm thương mại có rất nhiều lối exit thoát hiểm, bạn có thể chọn biển chỉ dẫn gần mình nhất hoặc nơi ít chen lấn nhất. Lực lượng bảo vệ của trung tâm thương mại sẽ hỗ trợ mọi người trong trường hợp có sự cố. Ngoài việc chỉ cho người dân lối thoát hiểm gần nhất, họ còn có vai trò điều tiết, hướng dẫn để tránh tình trạng chen lấn.
Ban quản lý các trung tâm cũng cần chú ý việc không để hàng hóa ngay ở lối thoát hiểm hoặc chèn cửa như chung cư để việc thoát nạn diễn ra nhanh chóng, an toàn hơn.
Trong quá trình thoát hiểm, bạn luôn nhớ phải bảo vệ cơ quan hô hấp.