Tác giả Trạng Tí chỉ trích Ngô Thanh Vân, từ chối nhận tiền để "diễn kịch"
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ ba, 29/12/2020 11:26 (GMT +7)
Họa sĩ Lê Linh đã đăng tải lên trang cá nhân dòng tâm sự gay gắt về câu chuyện bản quyền bộ phim Trạng Tí liên quan trực tiếp Ngô Thanh Vân.
Trong dòng trạng thái của mình, họa sỹ Lê Phong Linh (Lê Linh) đã thể hiện sự buồn bã và thất vọng đỉnh điểm khi đứa con tinh thần của anh được chuyển thể lên màn ảnh rộng nhưng bản thân anh từ đầu không hề được đoàn làm phim liên hệ hay hỏi ý kiến. Anh đã có những câu hướng sự trách móc nhắm tới nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi cho rằng đoàn phim đã “vô tư” hợp tác với “những kẻ cướp công”, ở đây nhằm chỉ công ty Phan Thị - bị đơn trong vụ kiện bản quyền tác giả bộ truyện Thần Đồng Đất Việt kéo dài tới 12 năm chưa có hồi kết.
Họa sĩ Lê Linh cũng cho rằng, việc đoàn làm phim chỉ có động thái liên lạc khi nhiều cư dân mạng kêu gọi tẩy chay phim chỉ là việc làm chữa cháy và "thiếu thành ý".
Nội dung bài viết của họa sĩ Lê Linh cũng là những chia sẻ những vất vả trong quá trình sáng tác bộ truyện, những tâm huyết cháy bỏng để tạo nên bộ tứ nhân vật “huyền thoại”: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, đồng thời anh cũng thể hiện ước mơ và mong muốn từ rất lâu của mình là có cơ hội chuyển thể Thần Đồng Đất Việt thành phim một cách trọn vẹn nhất, đúng với bản chất và tinh thần của nhân vật do anh “xương máu” tạo nên.
Tác giả Lê Linh cũng không ngại ngần đưa ra những chỉ trích nặng nề, bày tỏ sự đau xót khi “… nhìn những đứa con mình rứt ruột đẻ ra bị nhào nặn không thương tiếc dưới tay lũ rác rưởi mà chẳng thể làm gì được” hay thẳng thừng ám chỉ công ty Phan Thị là “kẻ ác” trong bài viết của mình.
Nguyên văn chia sẻ của họa sĩ Linh Lê:
"TRẠNG TÍ VÀ GIẤC MƠ ĐIỆN ẢNH
Thần Đồng Đất Việt, nỗi đau chồng nỗi đau... Nhớ lại thời kỳ truyện tranh Nhật Bản áp đảo hoàn toàn truyện tranh Việt Nam, Trạng Tí và nhóm bạn nhỏ ra đời như một tia hy vọng dành lại niềm tin yêu của độc giả bằng một bộ truyện tranh thuần Việt, và Trạng Tí đã được hàng vạn bạn trẻ hào hứng đón nhận trong niềm hạnh phúc tột cùng của tác giả. Độc giả càng mong mỏi truyện ra cấp tốc, tác giả phải càng nỗ lực mới đáp ứng được tốc độ phát hành...
Truyện tranh Nhật hầu như đã được hoàn chỉnh trước đó, khi về Việt Nam chỉ cần dịch thuật, biên tập lại nên chỉ cần vài ngày là xuất bản, trong khi truyện tranh Việt phải sáng tác mới hoàn toàn trong một thời gian giới hạn nên quả là một cuộc chiến không cân sức... Sáng tác cả kịch bản và tranh 30 ngày cho một tập truyện, giảm xuống 15 ngày rồi 10 ngày cho một tập mà vẫn phải bảo đảm nội dung bổ ích, dí dỏm, lôi cuốn. Hình vẽ phải đẹp, hài hước... Áp lực kinh hoàng nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành đòi hỏi phải có động lực ghê gớm, vừa vẽ vừa mường tượng ra những kế hoạch tương lai cho bộ truyện, tiếp sau những thành công này thì sao nhỉ, ước gì bộ sách sẽ vượt ra ngoài biên giới đến tay của bạn bè quốc tế, rồi mình sẽ chuyển thể làm phim hoạt hình, phim truyền hình nhiều tập rồi phim dài chiếu rạp, 2D rồi 3D, cả phim điện ảnh người đóng nữa tại sao không...
Mình sẽ có cơ hội hợp tác với những họa sĩ hoạt hình tài năng, những đạo diễn xuất chúng, những nhà sản xuất phim tâm huyết. Mình sẽ tham gia đóng góp ý tưởng, xây dựng kịch bản và tự tin sẽ làm rất tốt. 78 tập truyện với 78 kịch bản khác nhau mình đã thuyết phục được bạn đọc yêu mến thì những kịch bản phim sao làm khó được mình. Được nhìn thấy những đứa con tinh thần tung hoành trên màn ảnh rộng trong tiếng tung hô của khán giả thì còn gì tuyệt vời hơn.
Nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng đó mà niềm hứng khởi dâng trào, lao vào viết vẽ không hề mỏi mệt. Thế rồi đùng một cái... Một kẻ khốn vùng dậy cướp đoạt hết mọi công lao làm cho tan hoang mọi giấc mơ. Bằng thế lực của mình chúng đã "phù phép" một vụ án tưởng chừng chỉ giải quyết trong vài phiên xử trở nên dài vô tận, khiến cho những tháng năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết biến thành những chuỗi ngày đau thương lê lết chốn pháp đình, lạy lục cầu xin bọn quan tòa vô cảm, đau xót nhìn những đứa con mình rứt ruột đẻ ra bị nhào nặn không thương tiếc dưới tay lũ rác rưởi mà chẳng thể làm gì được.
Và cuối cùng một đoàn làm phim "tầm cỡ" đã xuất hiện và làm phim về Trạng Tí, sau nhiều năm vô tư cộng tác chặt chẽ với bọn cướp công mà chẳng màng đến tác giả là ai, đến một ngày bỗng dưng họ chợt nhận ra cần có sự đóng góp của tác giả khi làn sóng ủng hộ tác giả thật sự dâng cao vì tin tức về vụ kiện đã lan tràn trên các mặt báo, đã tìm đến tác giả đề nghị hợp tác trong khi trận chiến cân não tại Tòa án vẫn chưa đi đến hồi kết.
Lời đề nghị tại một thời điểm hết sức không phù hợp vì tôi vẫn có thể bị kẻ ác hại chết bất cứ lúc nào nếu thua kiện, thì tâm trí đâu mà phim với ảnh. Hơn nữa, bắt tay hợp tác tạo ra một siêu phẩm điện ảnh thì sao, thành công rực rỡ thì sao... Tiền bản quyền cũng sẽ lại tuôn vào túi bọn ác khiến cho chúng vốn đã mạnh lại càng thêm mạnh, chúng sẽ biến đó thành những đồng tiền nhơ nhuốc để hại ngược lại chính tôi. Nghĩ đến chặng đường 12 năm khổ ải tôi thấy không có một chút động lực nào cho việc cộng tác.
Tôi chỉ là người bình thường đâu phải là bậc thánh nhân mà không biết oán hận, hy sinh vì nghệ thuật để làm lợi cho kẻ đã hãm hại tôi và gia đình suốt mười mấy năm trời, nên tôi đã thẳng thắn chối từ mặc dù tình yêu điện ảnh cũng mãnh liệt không kém gì tình yêu với truyện tranh. Vụ kiện kết thúc phần sơ thẩm với phần thắng nghiêng về tôi, tưởng chừng mọi chuyện sẽ khép lại thì bọn ác vẫn kháng cáo lên phúc thẩm nhằm thể hiện quyết tâm đê hèn của chúng, khiến tôi một lần nữa phải gồng mình cho cuộc chiến mới. Vụ kiện tiếp tục kéo dài thêm gần cả năm cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ thì bộ phim kia cũng đã hoàn tất và ấn định luôn ngày công chiếu, và nếu không vì dịch bệnh thì đã không dời mãi đến ngày hôm nay.
Đặt mọi việc vào sự đã rồi và giờ họ nghĩ rằng chỉ cần dùng tiền để xử lí tất cả. Là một người chủ gia đình, tôi rất mê kiếm tiền vì tiền giúp tôi hoàn thành nghĩa vụ của người chồng, người cha... và tiền giúp tôi thực hiện những ước mơ sự nghiệp. Nhưng tôi chỉ nhận tiền khi bỏ công sức lao động và rất hạnh phúc khi được thụ hưởng thành quả lao động của mình. Tôi không nhận tiền để phải cùng ai đó diễn một màn kịch nhân văn cho một câu chuyện ngay từ đầu đã không tính nhân văn."
Đông đảo cộng đồng mạng đã bày tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Họa sĩ Lê Linh về bài viết, trong đó có nhiều người hô hào tẩy chay, không đi xem phim Trạng Tí. Những ý kiến chê trách bối cảnh, tạo hình và tình huống phim (qua trailer chính thức) không đúng với nguyên tác cũng nhận được nhiều sự đồng thuận, trong có có cả tác giả Lê Linh.
Hiện tại, bộ phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã được lên lịch ra mắt vào ngày mùng 1 Tết Âm Lịch nhưng có vẻ những drama xung quanh bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân sẽ còn nhiều tiếp diễn bất ngờ.