Khi tôi 30, chẳng có việc gì xảy ra và tôi bỗng nhiên… khủng hoảng
- Sky
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/09/2020 16:39 (GMT +7)
Một ngày ở ngưỡng cửa chập chững 30, khi đang tăng tốc trên đường đua cuộc đời, bất chợt, tôi thấy... chán! Cơn "khủng hoảng tuổi 30" ập đến.
Khi mà trong tài khoản tôi có số tiền nhiều nhất trong suốt cuộc đời từ trước tới giờ…
Khi có một mức thu nhập mà ngày bé không bao giờ dám mơ tới…
Khi đã tạo dựng được một nền tảng và đang cần dồn sức lực để có một bước nhảy vọt…
Khi đã trải qua nhiều khó khăn, nhiều đêm dài không ngủ, nhiều buổi sáng tinh mơ vạch ra kế hoạch trong ngày, nghiên cứu xem kế hoạch đó có giúp mình đạt được mục tiêu dài hạn của cuộc đời…
Khi những cố gắng, hy sinh đã gần như được đền đáp, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo mà mình mong muốn…
Khi chỉ cần vươn cánh tay ra là mình sẽ có được thứ mà người đời trọng vọng…
Vậy mà, bỗng dưng, cơn khủng hoảng ập tới!
Người ta gọi đó là khủng hoảng tuổi 30…
Sau những niềm phấn khích khi đạt được những thành tựu nho nhỏ, cuộc sống vẫn đều đặn trôi qua. Nhiều khi giữa những khoảng nghỉ của bề bộn công việc, bỗng thấy dường như mình đang lạc trôi về một nơi quá xa so với bản chất tâm hồn mình, vậy là lại hoang mang.
“Mình đang làm gì vậy?”
“Những điều mình đang làm có thực sự mang lại hạnh phúc hay không?”
“Điều mình thực sự muốn là gì?”
Những câu hỏi đó cứ quanh quẩn và khiến tôi phải thực sự suy nghĩ về mình, về cuộc sống và những gì mình đang phấn đấu cho.
Thực ra, khủng hoảng tuổi 30 là một trạng thái phổ biến, đặc biệt là với những người không có nhiều vướng bận: chưa có gia đình riêng, bố mẹ có cuộc sống ổn định, không cần con cái phải chăm sóc nhiều,… Việc duy nhất những người như tôi cần làm là tập trung cho bản thân. Đôi khi, điều đó không hề dễ dàng!
Sau hai tháng vật vờ trong sự hoang mang, và càng ngày bản năng càng cảm thấy khó chịu trước những điều mình làm hàng ngày, tôi quyết định bỏ lại tất cả những hào quang mà mình đang hướng tới, những thứ “bề ngoài” như: chức quyền, lương thưởng, sự ngưỡng mộ,… dành một khoảng nghỉ để tự “quay về bên trong”.
Giống như Đại đức Thích Minh Niệm răn dạy: “Thư giãn, chậm lại và nhìn sâu trong từng giây phút”.
Tôi quyết định dành thời gian để nhìn sâu vào chính mình, để an ủi tâm hồn và tìm ra câu trả lời cho những hoang mang đang thường trực.
Nhưng, “quay về bên trong” không hề dễ
Sự chuyển đổi gấp gáp từ trạng thái “có nhiều thứ” sang “chẳng có gì”-theo những chuẩn mực của xã hội: không chồng con, không công việc, không đồng lương khiến bao nỗi lo lắng trỗi dậy.
Vậy là tôi lại điên cuồng lao theo những đơn xin việc, những buổi phỏng vấn, với nỗi sợ hãi rằng mình không giống như với mọi người, 30 rồi mà vẫn mộng mơ,… Thói quen sống gấp khiến tôi bị cuốn trôi trong vòng tuần hoàn của những kế hoạch, những nỗi lo lắng, và thúc giục bản thân “phải làm một cái gì đó”, “phải đạt được cái gì đó”, “cứ nghỉ thế này sau này mình sẽ ra sao”. Và những băn khoăn của tôi vẫn không được giải đáp.
Để rồi khi đạt được một vài lời mời đi làm, lại chẳng thấy vui, chưa đúng ý, bởi tất cả chỉ là tạm bợ… Lẽ dĩ nhiên, khi tâm hồn bạn vẫn còn neo vào những cái mốc mà xã hội đặt ra, những thứ bề ngoài mà bạn không thể hoàn toàn kiểm soát, thì tất cả vẫn chỉ là tạm bợ.
Tôi quyết định nghiêm túc dừng lại tất cả, mua một cuốn sổ thật xinh, một chiếc bút thật đẹp, dọn dẹp lại góc làm việc, đặt một chiếc cây thật yêu bên cửa sổ. Tôi kiểm tra lại số sách mình đã mua từ đầu năm, hơn 10 quyển, và chưa có thời gian đọc. Tôi nhìn lại cơ thể có phần rệu rã, làn da hốc hác không đều màu do những đêm khó ngủ, trằn trọc cùng những mục tiêu, kế hoạch. Tôi nhận ra mình vẫn chưa hề ổn.
Tôi bắt đầu đọc, ngẫm nghĩ, viết lách lại-những thói quen tôi đã từ bỏ để tập trung cho việc đạt được những thứ mà chuẩn mực xã hội trọng vọng. Từ những dòng suy nghĩ, những câu chữ vẩn vơ, tôi tập trung thu xếp lại. Tôi quan sát cả tâm trạng của mình, quan sát bối cảnh xung quanh, quan sát cơn khủng hoảng, cố gắng lùi lại một bước để quan sát tổng thể bức tranh, tưởng tượng chính mình cũng đang ở trong đó.
Mọi thứ dần trở nên rõ ràng khi những quan sát vu vơ ấy được liên hệ, kết nối. Tôi hiểu con người mình hơn.
Để rồi một ngày, tôi nhận ra mình đã phần nào thành công
Khi tôi cùng với một người bạn đi thăm người ốm, thấy bạn cứ sải những bước chân vội vã, miệng liên tục than “Bận quá!”, “Còn nhiều việc quá!”, “Phải nhanh lên còn làm việc khác!” mà bước qua luôn căn phòng mà chúng tôi đang tìm đến… Tôi ngạc nhiên khi những điều “phải làm”, những mục tiêu chất đống từ nhỏ đến to có thể làm cho bất cứ ai bỏ lỡ những thứ hiển nhiên trước mắt. Và người ta tốn thời gian hơn rất nhiều để có thể đạt được những thứ mình thực sự "cần" khi mải mê đuổi theo những thứ mình "phải", ở trong thì tương lai.
Khi tôi tìm được những cuốn nhật ký ngày thơ bé, với những dòng tự bạch về mục tiêu cuộc sống, điều mình thích nhất, điều mình không thích nhất,… và nhận ra rằng “À bao nhiêu năm mình vẫn vậy, chỉ có những rối ren cuộc đời đã khiến mình quên đi những điều mà bản thân thực sự mong muốn”. Trong mình vẫn luôn có một đứa trẻ, một mục tiêu, một ý chí rất thuần khiết mà mình đã để những tác động bên ngoài khuấy động, che mờ.
Khi tâm tôi dịu đi, lòng sáng hơn sau nhưng giờ phút đọc sách, tìm hiểu những giáo lý về cuộc sống của Phật pháp, của những nhà triết học. Nỗi buồn, sự lo lắng, và cơn khủng hoảng được nhìn nhận dưới con mắt của sự tỉnh thức và trí tuệ trở nên dễ dàng chấp nhận và kiểm soát hơn.
Khi mà những lo lắng, suy nghĩ ập đến, tôi không còn sợ hãi chạy trốn, buồn thêm buồn vì sao mình cứ mãi tiêu cực, mà đã học được cách ôm ấp, chăm sóc cảm xúc buồn của mình. Bởi dù vui, dù buồn, dù ngọt bùi hay đắng cay đều là những tâm trạng, những sắc màu cuộc sống, là những đứa con của tâm hồn chúng ta. Dù con xinh hay không xinh, ngoan hay không ngoan, hãy cứ dành cho con một tình yêu. Rồi yêu thương sẽ cảm hóa tất cả.
Cơn khủng hoảng tuổi 30 vẫn còn đó, nhưng lại chẳng đáng sợ, mà thật đáng yêu
Sau khi “quay về bên trong” tôi luyện sức mạnh nội tại, bạn sẽ như tôi, dễ dàng xử lý cơn khủng hoảng này hơn. Thế rồi, giống như “tái ông mất ngựa”, trong những lúc rối ren này, cơ hội đang e ấp chờ ta nắm bắt. Khi bạn đã có sự chuẩn bị kỹ càng, và đủ sức lực, bạn sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn bội phần.
Nếu như bạn cũng như tôi, đang trải qua một thời gian hoang mang giữa mênh mang cuộc đời, ở lứa tuổi chả còn thanh niên, nhưng chưa hẳn đã trung niên, hãy cứ an yên mỉm cười. Và hãy biết ơn những gì mà ta đang có, có lúc buồn mới biết sự quý giá của niềm vui, có lúc “khủng hoảng” ta mới biết yêu sự an bình, mới học được cách trân trọng những điều nhỏ bé.
Hãy tưởng tượng rằng: bạn đang leo lên đỉnh một ngọn núi cao, có những lúc, bạn bắt buộc phải dừng lại, ăn uống, tiếp thêm năng lượng, nghỉ ngơi. Có như vậy, bạn mới có thể tiếp tục cuộc hành trình và về đích, thay vì cứ hùng hục đi lên và đổ gục giữa đường. Và trong lúc dừng lại để nghỉ ngơi ấy, giữa chênh vênh lưng chừng núi, đừng quên thưởng thức khung cảnh tuyệt đẹp và kỳ diệu xung quanh bạn nhé!