Lạ lẫm với món bánh cúng nhưng lại không dùng để cúng của miền Tây
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ tư, 28/07/2021 23:50 (GMT +7)
Bánh cúng có hình dáng bắt mắt, kết hợp với mùi vị thơm ngon đã khiến cho thực khách nào khi đặt chân tới miền Tây cũng phải vấn vương mãi không thôi.
Bánh cúng ở nơi nào đó có thể là cái tên chung của các món bánh dành để cúng bái, nhưng bánh bánh cúng miền Tây lại không phải là loại bánh dùng để dâng lên bàn thờ trong những ngày cúng. Tên gọi bánh cúng của món bánh này đơn giản chỉ là cách gọi thông thường được dân gian truyền miệng từ đời này qua đời khác mà thôi.
Bánh cúng miền Tây là loại bánh bột đặc, không nhân. Nguyên liệu làm bánh cúng toàn thứ dân dã, lá chuối, gạo, dừa, lá nếp, thêm xíu muối, xíu đường. Gạo xay thành bột khô rồi pha với nước cốt dừa, cốt lá dứa, thêm xíu muối đường thành hỗn hợp bột nước loãng như đổ bánh xèo.
Người miền Tây có lẽ ai cũng biết đến món bánh này, vì nó dân dã, và phổ biến. Những chiếc bánh được tạo ra từ đôi bàn tay tảo tần, cần mẫn từ các bà, các mẹ cùng với tình yêu bao la của họ cho các con, các cháu của mình. Đối với nhiều người, bánh cúng giống như một thức quà vô cùng đặc biệt.
Chiếc bánh cúng có hình trụ dài, thoạt nhìn tưởng dễ làm nhưng không phải ai cũng có thể tạo hình được chiếc bánh cho thật đẹp mắt. Bí quyết nằm ở sự tỉ mỉ từ nguyên liệu cho tới những bước làm đầu tiên.
Bánh cúng gói bằng lá chuối, và để dễ gói, lá sẽ phải phơi nắng cho héo bớt đi rồi lấy dao sắc cắt phiến lá khỏi cuống. Khi cắt phải khoát để phiến lá lành lặn, có thể lúc chia khúc làm bánh mới dễ. Sau khi có lá chuối, người ta lại chia lá thành từng đoạn vuông vức, lau sạch rồi mới bắt tay vào làm khuôn.
Thường người ta sẽ dùng luôn một đoạn cuống lá chuối có kích cỡ vừa phải và đồng đều làm khuôn. Người làm để đoạn cuống được chọn vào mép lá rồi chậm rãi cuốn chặt lá chuối theo đường chéo. Sau khi đã dùng dây chuối khô buộc cố định một đầu và phần thân, người ta sẽ rút cuống lá ra và tiếp tục làm các chiếc khuôn bằng lá chuối khác.
Sau khi khuôn đã xong, người ta mới đổ hỗn hợp bột loãng vào từng chiếc khuôn lá rồi dùng lá chuối buộc nốt đầu còn lại để cố định hỗn hợp bột. Thường người miền Tây sẽ dùng ca có miệng nhọn để tiệm rót bột vào khuôn lá. Sau cùng bánh cúng sẽ được xếp vào nồi luộc hoặc hấp chín để cả nhà cùng thưởng thức.
Bánh cúng có màu xanh nhạt, thơm nức. Khi vừa ra lò, bánh nóng hổi, còn mềm. Nếu như để nguội thì bánh ăn mới được dai và dẻo. Khi ăn, người ta sẽ chấm bánh với nước cốt dừa hoặc ăn không cũng rất ngon miệng.
Mùi vị thanh tao, thơm thơm, béo béo từ gạo, nước cốt dừa kết hợp với nhau đã tạo nên một thức quà vô cùng độc đáo. Từ khâu chọn nguyên liệu đến bước pha bột, hấp bánh đều vô cùng khéo léo thì mới tạo ra được những chiếc bánh ngon.
Chiếc bánh cúng vô cùng mộc mạc, dễ thương, vốn dĩ là thức quà vô cùng riêng biệt của đám trẻ chốn thôn quê. Hiện nay, bánh cúng đã được bày bán ở các phiên chợ cùng với lời rao ngọt lịm. Biết bao nhiêu kỉ niệm ùa về với chiếc bánh cúng xinh xắn, thơm ngon và xanh tươi của vùng đất miền Tây.