Lịch sử chinh phục làng thời trang của trang phục mặc nhà

Trang phục mặc nhà giờ đây đã trở thành một xu hướng thời trang thời thượng. Hãy cùng 2Đẹp nhìn lại quá trình phát triển của loại trang phục đặc biệt này nhé!

Hashtag: Lịch sử thời trang Từ điển thời trang

Nếu tính theo số lần mặc, trang phục mặc nhà (loungewear) là một kiểu trang phục rất kinh tế. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng một bộ pyjama hay chiếc áo choàng chất lượng tốt trong nhiều năm liền. 

Nhìn chung ở Việt Nam, trang phục mặc nhà thường là những món đồ xuề xoà. Đó có thể là bộ đồ tự may,  một bộ lanh hoa mua ở chợ cóc hay chiếc áo thun cũ đã sờn rách.

Tuy nhiên trên thế giới, loungewear hoàn toàn có khả năng là những món đồ đầy xa xỉ. Đặc biệt là trong năm 2020 và nhiều khả năng có thể kéo dài tới năm 2021, đại dịch COVID-19 khiến mọi người phải làm việc ở nhà, không quá mức cần thiết đến chuyện ăn diện khi ra đường. Vì thế đồ mặc nhà ngày càng bán chạy, các thương hiệu lớn thi nhau cho ra mắt những item mặc nhà hạng sang trong bộ sưu tập mới của mình.

Đâu là sự khác nhau giữa trang phục mặc nhà và đồ ngủ?

Trên thực tế, rất nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm trang phục mặc nhà (loungewear) và đồ ngủ (nightwear). Điểm khác biệt rõ nhất của hai loại trang phục này là bạn có thể mặc loungewear cả ngày, thậm chí là khi đón tiếp khách; còn nightwear chỉ mặc khi đi ngủ.

Khái niệm trang phục mặc nhà bắt đầu xuất hiện trong từ điển thời trang Tây Phương từ thời Rococo (1650 – 1800). Tại châu Âu vào thế kỷ 17, những ý tưởng về một bộ trang phục mặc nhà đề cao sự thoải mái được xem là một ý niệm mang tính đột phá cao, bởi lúc bấy giờ chỉ có trang phục mặc ra đường mới được đầu tư hết mực.

Chiếc váy lót negligée là một trong những trang phục mặc nhà lai áo ngủ kiểu châu Âu đầu tiên. Nó xuất hiện dưới thời của vua Louis XIV (1643 – 1715). Váy negligée có chất liệu mỏng, nhẹ và chỉ được mặc vào những lúc phụ nữ làm các công việc nội trợ, trang điểm hay làm tóc vào buổi sáng.

Hình ảnh diễn viên phim câm Juliette Compton trong chiếc váy negligée bằng ren

Những thiết kế loungewear đầu tiên xuất hiện

Tới thế kỷ 18, áo choàng mặc ngoài (dressing gown) lấy cảm hứng từ chiếc kimono của Nhật Bản trở nên thịnh hành. Điểm đặc biệt của chiếc áo choàng này là nó không theo bất kì khuôn phép nào giống như các kiểu trang phục trước đó. Nó rộng rãi, thoải mái, không bị bó vào eo, vạt áo dài chấm đất đầy thanh nhã.

Trong bộ phim Who’s Got the Action (1963), nữ diễn viên Lana Turner mặc áo negligée có áo choàng đi kèm

Lúc bấy giờ, phụ nữ mặc kiểu áo choàng này để thể hiện sự quý tộc, bởi chỉ có phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu mới có dư tiền bạc và thời gian rảnh rỗi để sắm cho mình những bộ cánh lộng lẫy chỉ để mặc ở nhà.

Sang thế kỷ 19, áo choàng mặc ngoài đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn với những người thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân. Rồi dần dà nó trở thành loại trang phục phù hợp với nhiều dáng người khác nhau. Những chiếc áo choàng đắt tiền thường được may từ lụa. Phần lớn vải lụa được nhập từ Trung Quốc. Người ta cũng có thể sử dụng ác tấm lụa kimono thêu hoa với viền da thuộc hoặc ren. Những loại rẻ hơn thì thường dùng vải in hoa calico hoặc vải chintz.

Thiết kế váy ngủ lấy cảm hứng từ kimono của nhà mốt Tây Ban Nha Mariano Fortuny vào khoảng năm 1910

Sự ra đời của pyjama

Pyjama (còn được gọi là pajama), trong tiếng Việt có nghĩa là đồ bộ, vừa có thể mặc ở nhà, lại vừa có thể mặc khi đi ngủ. Mặc dù trang phục này rất phổ biến và được ưa chuộng ở phương Tây, nhưng trên thực tế nó lại có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Tên gọi pajama được vay mượn từ tiếng Hindi của Ấn Độ, “pae jama” hoặc “pai jama”, có nghĩa là “trang phục có ống quần”. Bộ đồ này gồm áo dài tay và quần thụng có dây thít bụng, được cả nam và nữ tại bản xứ sử dụng. Không chỉ riêng Ấn Độ, những phiên bản tương tự pajama cũng xuất hiện ở cả Trung Đông và đế quốc Ottoman (tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Khi nước Anh chiếm đóng tại Ấn Độ, họ đã vay mượn loại trang phục này. Tuy nhiên, thay vì làm đồ mặc ra đường như người Ấn Độ thì người Anh lại biến nó trở thành đồ mặc ở nhà. Bắt đầu từ những năm 1870, pyjama trở thành một kiểu trang phục mặc nhà cho nam giới Ăng-lê.

Pyjama lấy cảm hứng từ trang phục của người Ấn Độ

Từ trang phục mặc nhà tới item mang ý nghĩa nữ quyền

Mặc dù pyjama được đàn ông ưa chuộng là thế nhưng mãi tới những năm 1920 và 1930, nó mới trở thành một trang phục mặc nhà dành cho phái nữ. 

Lúc bấy giờ, pyjama là món đồ vô cùng tiện dụng khi ra bãi biển. Phụ nữ có thể mặc nó trùm lên đồ bơi để giữ ấm hoặc đảm bảo sự kín đáo. Dần dần về sau, pyjama trở nên linh hoạt hơn khi được mặc trong nhà, tiếp khách tới chơi...

Những chiếc quần rộng của pyjama được phụ nữ diện khi ra biển vào năm 1934
Dần dà nó trở thành một trong những biểu tượng của nữ quyền

Người ta nhìn nhận pyjama giống như một biểu tượng giải phóng dành cho phụ nữ. Khác với những bộ trang phục phức tạp ngày xưa, một bộ pyjama rộng rãi, không bó buộc và đem tới sự thoải mái nên được các quý cô, quý bà đặc biệt yêu thích. Một ví dụ tiêu biểu nhất là Coco Chanel. Bà đã nhiều lần tiếp khách tại gia trong bộ đồ mặc nhà làm bằng lụa cao cấp và chuỗi dây chuyền ngọc trai. Nó đã trở thành một classic look vô cùng đặc trưng của bà.

Coco Chanel trong bộ trang phục mặc nhà của mình

Các minh tinh Hollywood cũng rất tích cực lăng xê cho pyjama, tiêu biểu là Greta Garbo hoặc Joan Crawford đã hớp hồn dân chúng trong đồ bộ lụa. Các nhà mốt danh giá như Givenchy hay Schiaparelli cũng từng thiết kế trang phục mặc nhà bằng lụa cho những khách hàng thượng lưu.

Loungewear trong thời hiện đại

Sang tới thế kỷ 21, trang phục mặc nhà giờ đây không còn chỉ để mặc ở nhà nữa. Con người đã quen với việc diện loại trang phục này chạy nhanh ra đường hoặc mua chút đồ ở tiệm tạp hoá. 

Lối sống ngày càng trở nên dễ dãi hơn, nên các nhà thiết kế cũng đã bắt đầu kết hợp các chi tiết loungewear với đồ mặc ra phố. Đặc biệt là khi những nhà mốt hàng đầu như Dior, Lanvin… liên tục lăng xê các loại trang phục biến tấu từ loungewear thì nó dần dà trở thành một xu hướng thời trang mới và có vị trí nhất định trong làng mộ điệu.

Cara Delevigne diện thiết kế đậm chất loungewear trong BST Xuân Hè 2019 của Balmain

Các bộ đồ mặc nhà unisex cũng đang dần thay thế cho những bộ áo ngủ rườm rà ngày trước. Trang phục mặc nhà bây giờ cũng mang cả dáng dấp của đồ thể thao. Các chiếc quần thụng, bo ống (sweatpants), áo nỉ, áo hoodie hoặc quần shorts đều giúp phụ nữ có thể dễ dàng vận động ở trong nhà, hoặc là mặc đến phòng gym, tập pilates... Và giờ đây trang phục mặc nhà không còn chỉ dành cho mỗi giới thượng lưu, mà là tất cả mọi người thuộc tất cả tầng lớp đều có thể sắm cho mình nhiều bộ đa dạng. 

Gigi Hadid trong bộ trang phục hồng ấn tượng

 

 

 

Bài liên quan

News feed