Thương hiệu Balenciaga và hành trình hồi sinh từ sự quên lãng
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ sáu, 08/04/2022 10:20 (GMT +7)
Balenciaga là một trong những đế chế của ngành thời trang thế giới. Thế nhưng ít ai biết rằng thương hiệu hơn 100 tuổi này từng suýt bị chìm vào lãng quên.
Nội dung chính
- 1. Balenciaga là gì? Balenciaga là thương hiệu của nước nào?
- 2. Người sáng lập thương hiệu Balenciaga là ai?
- 3. Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Balenciaga
- 4. Logo của thương hiệu Balenciaga
- 5. Đại sứ thương hiệu Balenciaga
- 6. Các dòng sản phẩm của Balenciaga
- 7. Các cửa hàng Balenciaga tại Việt Nam
1. Balenciaga là gì? Balenciaga là thương hiệu của nước nào?
Balenciaga là một thương hiệu thời trang cao cấp lừng danh của nước Pháp. Thế nhưng trên thực tế, Balenciaga ban đầu được thành lập tại Tây Ban Nha. Balenciaga luôn là cái tên nằm trong top đầu những thương hiệu có doanh thu lớn nhất thế giới. Nhiều người cho rằng Balenciaga mới được thành lập trong vài năm gần đây, nhưng sự thật là thương hiệu này đã có tới hơn 100 năm tuổi đời.
2. Người sáng lập thương hiệu Balenciaga là ai?
Balenciaga được thành lập bởi Cristóbal Balenciaga, một nhà thiết kế người Tây Ban Nha. Cristóbal Balenciaga sinh năm 1985, lớn lên tại Getaria, một thành phố nhỏ thuộc Tây Ban Nha. Cha ông là ngư dân, còn mẹ làm nghề thợ may. Cha của Cristóbal qua đời sớm, khiến gia đình của ông rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khi thiếu vắng trụ cột gia đình. Cristóbal đã dành nhiều thời gian bên mẹ của mình, và từ đó học được kỹ thuật may vá từ mẹ.
Khi vẫn còn là một thiếu niên, Cristóbal Balenciaga đã có được vị khách hàng trung thành đầu tiên là nữ hầu tước Marchioness de Casa Torres. Nhận thấy tài năng của Cristóbal, Casa Torres đã gửi ông tới Marid để được đào tạo bài bản về nghề may đo.
3. Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Balenciaga
3.1. Cristóbal Balenciaga và thương hiệu mang tên mình
Tài năng nổi bật của Cristóbal Balenciaga khiến ông nhanh chóng đạt được danh tiếng tại khắp Tây Ban Nha. Năm 1919, Cristóbal Balenciaga mở cửa hàng đầu tiên của riêng mình tại San Sebastian. Lúc bấy giờ, cửa hàng này có tên là C. Balenciaga. Giới quý tộc Tây Ban Nha đều rất yêu thích các thiết kế của Balenciaga và họ sẵn sàng chi những khoản tiền không hề nhỏ để sở hữu chúng. Thế nhưng, cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ vào năm 1936 đã khiến Balenciaga phải di dời cửa hàng tới Paris, Pháp.
Tại Paris, Cristóbal Balenciaga đã mở một cửa hàng nằm trên đường Avenue George V. Các thiết kế của Balenciaga được yêu thích tới nỗi trong Thế Chiến II cũng có nhiều người tìm tới cửa hàng của ông tại Paris.
Tới những năm 1950, sự nghiệp của Balenciaga bước vào giai đoạn đỉnh cao. Tên tuổi của ông lan rộng khắp giới mộ điệu châu Âu. Các khách hàng của Balenciaga đều là giới thượng lưu hoặc các minh tinh nổi tiếng như Marlene Dietrich hay Greta Garbo.
Cùng với Coco Chanel và Christian Dior, Cristóbal Balenciaga được xem là nhà mốt quyền lực nhất của thế kỷ 20. Năm 1947, Dior đã gây tiếng vang lớn với thiết kế New Look mang hình ảnh người phụ nữ có eo thon, bờ vai và hông mong manh, thanh lịch. Thế nhưng Cristóbal Balenciaga là người đã phá vỡ xu hướng này. Từ năm 1951, các thiết kế của Balenciaga đều bỏ hẳn chi tiết chiết eo gò bó, nới rộng phần vai, giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn mà vẫn không thiếu đi vẻ đẹp thanh lịch.
Những năm sau đó Balenciaga vẫn liên tục cho ra mắt các thiết kế đầy lạ mắt và không theo bất kì những nguyên tắc truyền thống nào. Một số thiết kế tiêu biểu của Balenciaga bao gồm váy phồng ‘balloon’ (1953), váy hình kén ‘sack dress’ (1957), ‘baby-doll’ (1958)...
Sang tới thập niên 1960, Balenciaga bắt đầu thử nghiệm những chất liệu mới đầy sáng tạo và mới lạ. Ông đã hợp tác với nhà sản xuất vải Thụy Sĩ Abraham để tạo nên một loại vải có tên gazar. Loại vải này làm bằng tơ và đặc biệt có thể giữ phom dáng trang phục một cách hoàn hảo.
Những sáng tạo của Balenciaga được giới thời trang đánh giá rất cao. Christian Dior gọi Balenciaga là “bậc thầy của tất cả chúng ta” (bản gốc: “the master of us all”). Trong khi đó Coco Chanel lại miêu tả ông như một bậc thầy thực thụ, chứ không đơn giản chỉ là nhà thiết kế thời trang.
Dù đang trên đà phát triển, thế nhưng Balenciaga lại gây bất ngờ khi tuyên bố ngừng việc kinh doanh vào năm 1968. Một số người cho rằng ông muốn nghỉ hưu, nhưng một số người khác lại nói rằng Balenciaga đã có cuộc tranh cãi cực lớn với giới báo chí nên quyết định đóng cửa thương hiệu của mình. Tuy nhiên dù lý do có là gì đi chăng nữa, việc đóng cửa Balenciaga khiến giới thời trang vô cùng tiếc nuối. Biên tập viên thời trang nổi tiếng Diana Vreeland thậm chí đã nói rằng cô không thể rời giường trong suốt 3 ngày sau khi Balenciaga tuyên bố ngừng kinh doanh. Năm 1972, Cristóbal Balenciaga qua đời, dập tắt những hy vọng về việc mở cửa lại thương hiệu Balenciaga.
3.2. Sự hồi sinh của đế chế Balenciaga
Sự ra đi của Cristóbal Balenciaga khiến thương hiệu Balenciaga dần chìm vào quên lãng. Mãi tới tận năm 1986, nhà mốt này mới có một bước ngoặt. Balenciaga được công ty sản xuất mỹ phẩm làm đẹp và nước hoa Jacques Bogart S.A. quyết định mua lại.
Lúc bấy giờ, các mặt hàng của Balenciaga chủ yếu là mỹ phẩm, nước hoa, các sản phẩm chăm sóc da chuyên dụng. Sau đó, các nhà thiết kế kỳ cựu như Michel Goma, Josephus Thimister đã cho ra đời các BST Ready-to-wear cao cấp với hy vọng làm sống lại mảng thời trang đình đám một thời của thương hiệu. Tuy nhiên do chỉ tập trung vào dòng ready-to-wear mà Balenciaga đã bị đánh giá là thương hiệu tầm trung.
Năm 1997, Nicolas Ghesquière trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu Balenciaga khi mới chỉ 25 tuổi. Dù không học qua bất kì trường lớp nào về thời trang, song các thiết kế của Nicolas lại phải khiến công chúng chú ý tới. Nhờ Nicolas Ghesquière mà Balenciaga đã có cú chuyển mình mạnh mẽ đối với mảng sản phẩm thời trang.
Những sáng tạo của Nicolas Ghesquière luôn tuân theo các giá trị cốt lõi của Balenciaga. Mẫu túi xách Lariat do Nicolas thiết kế từng được săn lùng trên khắp quốc tế. Nó nhanh chóng trở thành “It bag” của thập niên 2000, và là phụ kiện mà mọi cô gái đều yêu thích, bao gồm cả Paris Hilton, Lindsay Lohan hay Nicole Richie.
Năm 2001, tập đoàn đa quốc gia Kering mua lại thương hiệu Balenciaga, giúp cho doanh thu của hãng này tăng một cách đáng kể. Năm 2012, Nicolas Ghesquière chia tay Balenciaga sau 15 năm gắn bó. Vị trí giám đốc sáng tạo của Nicolas được thay thế bởi Alexander Wang.
Dù được kì vọng khá nhiều nhưng những gì mà Alexander Wang đạt được trong 3 năm làm việc ở Balenciaga lại không mấy ấn tượng. Nguyên nhân là Alexander Wang có thế mạnh với những thiết kế ready-to-wear, đậm chất thể thao, thành thị, nhưng anh lại thiếu nhiều kinh nghiệm trong thiết kế đồ haute couture. Tuy nhiên Wang vẫn được xem là một marketer xuất sắc. Các mẫu túi mang phong cách sport-chic đều đạt doanh thu cao, giúp Balenciaga đạt mức tăng trưởng gấp đôi vào tháng 3/2015.
Năm 2016, Demna Gvasalia được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc sáng tạo thay cho Alexander Wang. Giống với Wang, Demna Gvasalia không có nhiều kinh nghiệm với đồ haute couture. Phong cách chủ đạo của anh thậm chí thiên hẳn về ‘avant-garde’ và ‘street style’.
Thế nhưng cách Demna Gvasalia xử lý các thiết kế của mình lại vô cùng linh hoạt và khác biệt. BST Thu Đông 2016 bao gồm các thiết kế đầu tiên của Demna Gvasalia dưới trướng Balenciaga đã nhanh chóng gây sốt giới mộ điệu.
Demna Gvasalia đã cho ra đời hàng loạt những sản phẩm “gây nghiện” với giới trẻ như áo phông in logo, giày thể thao Speed trainers và Balenciaga Triple S… Đặc biệt đôi giày Triple S đã mở ra xu hướng Ugly Sneaker (giày thể thao xấu lạ) hay Dad Sneaker (giày to khủng bố).
Nhận thấy xu hướng thời trang của thế giới đang dần chuyển hướng sang “unisex”, Demna Gvasalia là một trong những người đầu tiên cho ra mắt các thiết kế xoá nhoà khoảng cách giới tính. Sự thật đã chứng minh quyết định của Demna là hoàn toàn đúng đắn bởi trang phục unisex hiện đang là dòng sản phẩm được giới trẻ ưu tiên hàng đầu.
4. Logo của thương hiệu Balenciaga
Ban đầu, logo của Balenciaga do nhà sáng lập Cristóbal Balenciaga thiết kế. Nó bao gồm dòng chữ tên của chính ông và “Maison de Paris” màu trắng trên nền đen. Tới những năm 70s, logo được thiết kế lại với với 2 chữ B đối ngược nhau theo phong cách monogram, vừa đơn giản lại vừa ấn tượng.
Dưới thời của Demna Gvasalia, logo được tối giản nhất một cách có thể. Tới hiện tại, logo của thương hiệu chỉ bao gồm cái tên Balenciaga được viết in hoa.
5. Đại sứ thương hiệu Balenciaga
Đại sứ thương hiệu là những người nổi tiếng được các nhà mốt lựa chọn để giúp đưa tên tuổi thương hiệu tới gần hơn với công chúng. Đại sứ của Balenciaga bao gồm những gương mặt đình đám như Justin Bieber, Kim Kardashian, và mới đây nhất là nữ diễn viên Hàn Quốc Han So Hee.
>>> Xem thêm: Đả nữ "My Name" Han So Hee chính thức trở thành Đại sứ toàn cầu của Balenciaga
6. Các dòng sản phẩm của Balenciaga
Các dòng sản phẩm chính dành cho cả nam lẫn nữ của Balenciaga bao gồm trang phục may sẵn (ready-to-wear), giày dép, túi xách, phụ kiện, và các món đồ nhỏ làm bằng da.
7. Các cửa hàng Balenciaga tại Việt Nam
Hiện tại Balenciaga chưa có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm của Balenciaga được phân phối độc quyền cho hệ thống cửa hàng Runway.
- Hà Nội: Runway Central Building, số 31 Hai Bà Trưng, phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm.
- TP. Hồ Chí Minh:
- Cửa hàng Runway tại Rex Shopping Arcade, số 155 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1.
- Cửa hàng Runway tại Takashimaya, số 92-94 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1.
- Cửa hàng Runway tại Diamond Plaza, số 34 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1.