Thương hiệu Dolce & Gabbana: Cú bắt tay của hai người đàn ông nước Ý
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 27/06/2022 16:15 (GMT +7)
Dolce & Gabbana được biết tới là một trong những hãng thời trang xa xỉ của Ý. Thế nhưng đằng sau sự thành công của nhà mốt này lại là biết bao thăng trầm.
Nội dung chính
- 1. Dolce & Gabbana là gì? Dolce & Gabbana là thương hiệu của nước nào?
- 2. Người sáng lập thương hiệu Dolce & Gabbana là ai?
- 3. Lịch sử hình thành và phát triển thương hiệu Dolce & Gabbana
- 4. Logo của thương hiệu Dolce & Gabbana
- 5. Đại sứ thương hiệu Dolce & Gabbana
- 6. Các dòng sản phẩm của thương hiệu Dolce & Gabbana
- 7. Các cửa hàng Dolce & Gabbana tại Việt Nam
1. Dolce & Gabbana là gì? Dolce & Gabbana là thương hiệu của nước nào?
Dolce & Gabbana là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu của nước Ý. Nhà mốt này nổi tiếng với các thiết kế thời trang năng động, trẻ trung và thời thượng, bên cạnh một số dòng sản phẩm khác như đồng hồ, nước hoa…
2. Người sáng lập thương hiệu Dolce & Gabbana là ai?
Dolce & Gabbana được thành lập bởi hai người đàn ông người Ý là Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Domenico Dolce sinh năm 1958 tại Polizzi Generosa thuộc vùng Sicily. Sinh ra trong một gia đình sở hữu cửa hàng nhỏ kinh doanh quần áo, Dolce đã được học thiết kế và bắt đầu may trang phục ngay từ khi mới 6 tuổi.
Trong khi đó, Stefano Gabbana sinh năm 1962 tại Milan. Ông từng theo học ngành mỹ thuật và thiết kế đồ hoạ. Tuy nhiên, cuối cùng Gabbana đã bỏ học để theo đuổi đam mê thời trang của mình.
Dolce và Gabbana đã gặp nhau khi cả hai làm trợ lý thiết kế tại cùng một nơi làm việc. Cả hai người đều đã bị đối phương thu hút nhờ sự đồng điệu trong tài năng và tính cách của mình. Dolce và Gabbana sau đó đã trở thành một cặp đôi cùng chung sống. Sau khi Gabbana hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông và Domenico Dolce đã cùng thành lập một công ty tư vấn thiết kế vào năm 1982. Sự kết hợp của cặp đôi chính là tiền đề hình thành thương hiệu Dolce & Gabbana.
Domenico Dolce và Stefano Gabbana vẫn luôn được xem là một cặp đôi vô cùng ăn ý, hiểu rõ tính cách của nhau. Tuy nhiên, tới năm 2005, cả hai lại tuyên bố chia tay. Họ quyết định vẫn sẽ giữ tình bạn và tiếp tục đồng hành cùng nhau trong công việc.
3. Lịch sử hình thành và phát triển thương hiệu Dolce & Gabbana
3.1. Những khó khăn của Dolce & Gabbana thuở mới thành lập
Thương hiệu Dolce & Gabbana chính thức được thành lập vào năm 1985. BST đầu tiên của nhà mốt nước Ý mang tên Real Women, được ra mắt vào tháng 10 năm 1985 tại Tuần lễ thời trang của Milan. Lúc bấy giờ, Domenico Dolce và Stefano Gabbana không có đủ tiền để thuê người mẫu nên họ đã phải nhờ bạn bè và người quen giúp đỡ. Thậm chí cả hai cũng không có tiền để trang bị thêm phụ kiện cho các người mẫu nghiệp dư. Bởi vậy, những người mẫu đã phải tự chuẩn bị phụ kiện cho riêng mình.
BST đầu tiên của Dolce & Gabbana không đạt được như kỳ vọng. Doanh thu đạt được thấp tới nỗi Gabbana đã có ý định từ bỏ việc thiết kế và muốn ngừng đặt mua vải cho BST thứ hai. Thế nhưng, sau khi cặp đôi về thăm Sicily vào dịp Giáng sinh, gia đình của Dolce đã đề xuất hỗ trợ những chi phí cần thiết cho BST thời trang thứ hai của thương hiệu. Công ty cung cấp vải cũng không nhận được đơn đề nghị hoãn mua hàng chính thức nên vải vóc vẫn được vận chuyển tới Milan như kế hoạch.
Năm 1986, BST thứ hai của Dolce & Gabbana được trình làng. Cũng trong năm này, cửa tiệm đầu tiên của thương hiệu được thành lập.
3.2. Tạo nên bước ngoặt với The Sicilian Dress
Dolce & Gabbana chỉ thực sự tạo nên tiếng vang nhất định trong thị trường thời trang nước Ý sau khi ra mắt BST thứ tư. BST này được Dolce lấy cảm hứng từ Sicily - quê hương của ông. Nhiếp ảnh gia của BST thứ tư là Ferdinando Scianna đã thực hiện bộ ảnh tại Sicily, chụp bằng phim trắng đen lấy cảm hứng từ điện ảnh Ý.
Đáng chú ý, thiết kế mang tên The Sicilian Dress (chiếc đầm vùng Sicilian) nằm trong BST thứ tư của Dolce & Gabbana được xem là trang phục đặc trưng cho nhà mốt nước Ý vào giai đoạn này.
Năm 1991, Dolce & Gabbana đạt được giải thưởng Woolmark cho BST thời trang nam giới sáng tạo nhất của năm.
Năm 1994, thương hiệu này giới thiệu tới công chúng dòng thời trang phụ mang tên D&G. Dòng sản phẩm D&G có mức giá mềm hơn, hướng tới những khách hàng trẻ tuổi. Tới năm 2012, D&G lại được sáp nhập vào Dolce & Gabbana.
Năm 2009, dòng mỹ phẩm Dolce & Gabbana được ra mắt. Năm 2011, nhà mốt nước Ý giới thiệu dòng sản phẩm nữ trang cao cấp (haute joaillerie). Tới năm 2020, Dolce & Gabbana sở hữu hàng ngàn cửa hàng trên khắp thế giới.
3.3. Nhận được sự tin tưởng từ các nghệ sĩ lớn
Theo thời gian, Dolce & Gabbana cũng được giới nghệ sĩ chú ý tới nhờ các thiết kế đầy bắt mắt và ấn tượng. Tại Liên hoan phim Cannes năm 1990, Madonna đã thu hút công chúng khi diện mẫu váy của Dolce & Gabbana. Sau đó, nữ nghệ sĩ cũng đã hợp tác với Dolce & Gabbana để cung cấp 1.500 trang phục cho chuyến lưu diễn quốc tế quảng bá album Erotica của cô vào năm 1993.
Dolce & Gabbana sau đó cũng đã phụ trách cung cấp trang phục cho những chuyến lưu diễn của các ngôi sao hàng đầu như Missy Elliot, Beyoncé, Mary J. Blige, Whitney Houston và Kylie Minogue.
3.4. Sóng gió với scandal phân biệt chủng tộc
Năm 2018, Dolce & Gabbana đã bị chỉ trích rằng thương hiệu có thái độ và hành động kỳ thị, chửi bới người Trung Quốc. Mọi chuyện bắt nguồn từ clip quảng bá The Great Show được Dolce & Gabbana đăng tải trên Instagram và Weibo. Trong clip đó, người mẫu đã sử dụng đũa để ăn đồ ăn Ý như pizza, spaghetti,... với động tác lóng ngóng và biểu cảm gây cười. Ngay lập tức, đông đảo công chúng đã cho rằng Dolce & Gabbana đã thiếu tôn trọng văn hoá và truyền thống của Trung Quốc.
Một cư dân mạng đã nhắn tin thẳng cho Stefano Gabbana về vấn đề này. Thế nhưng Stefano Gabbana đã có những lời lẽ miệt thị, mỉa mai nặng nề dành cho người Trung Quốc. Ngay cả trên trang Instagram chính thức của Dolce & Gabbana cũng đã đưa ra những lời nói mang tính khinh miệt và công kích.
Sau đó, thương hiệu này đã đưa ra thông báo rằng cả Instagram của Stefano Gabbana và Dolce & Gabbana đều bị hack, tất cả những tin nhắn và bài đăng trước đó đều là giả mạo. Tuy nhiên, phần đông người dân Trung Quốc cho rằng đó chỉ là sự bao biện của nhà mốt nước Ý. Hàng loạt những ngôi sao Trung Quốc như Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Trần Khôn, Phạm Thừa Thừa, thậm chí người đại diện của hãng là Địch Lệ Nhiệt Ba và Vương Tuấn Khải đều tuyên bố vắng mặt tại show diễn của Dolce & Gabbana.
Sau những lùm xùm phân biệt chủng tộc của Dolce & Gabbana, Địch Lệ Nhiệt Ba và Vương Tuấn Khải đã đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện khu vực châu Á Thái Bình Dương với thương hiệu này. Show diễn thời trang The Great Show sau đó cũng bị huỷ bỏ.
>>> Xem thêm: Số mệnh của Dolce & Gabbana tại Trung Quốc sau scandals để đời
4. Logo của thương hiệu Dolce & Gabbana
Dolce & Gabbana thường sử dụng 3 logo chính. Logo đầu tiên chỉ bao gồm tên thương hiệu được viết in hoa đơn giản. Logo thứ hai giống với logo thứ nhất, nhưng bổ sung thêm cụm từ viết tắt “D&G”. Khác với hai logo đơn giản trên, logo thứ ba bao gồm tên thương hiệu được viết in hoa được đặt giữa một vòng nguyệt quế, phía trên có hình vương miện.
5. Đại sứ thương hiệu Dolce & Gabbana
Những gương mặt được lựa chọn làm đại sứ cho thương hiệu Dolce & Gabbana đều là những người có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng, tiêu biểu là Kitty Spencer - cháu gái công nương Diana, cầu thủ Lionel Messi, Monica Bellucci,...
>>> Xem thêm: Cháu gái Công nương Diana diện váy cưới xa hoa của Dolce & Gabbana
6. Các dòng sản phẩm của thương hiệu Dolce & Gabbana
Dolce & Gabbana cung cấp các sản phẩm thời trang và phụ kiện dành cho cả nam và nữ, trang phục của trẻ em, nước hoa và đồ trang điểm, thậm chí là đồ ăn và thức uống đặc trưng của Ý như pasta và rượu vang.
7. Các cửa hàng Dolce & Gabbana tại Việt Nam
Việt Nam hiện có cửa hàng chính hãng của Dolce & Gabbana tại các địa chỉ:
- Hà Nội: TTTM Tràng Tiền Plaza, 24 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm
- TP. Hồ Chí Minh: Trung tâm mua sắm tại khách sạn Rex, 4-6 đường Lê Lợi, Quận 1