Loạt món đặc sản Việt Nam có tên lạ lùng nhưng ăn ngon miễn bàn
- Ngân Thị
- Đăng lúc: Thứ năm, 08/10/2020 09:04 (GMT +7)
Mảnh đất hình chữ S xinh đẹp có rất nhiều đặc sản ngon với cái tên vô cùng lạ lung như tung lò mò, cơm âm phủ. Các món này là gì và có thành phần như nào nhỉ?
Do các món ăn được đặt theo cách chơi chữ hoặc là ngôn ngữ địa phương nên có rất nhiều món ăn có cái tên kỳ lạ. Nhưng yên tâm rằng tuy có cái tên lạ lùng nhưng các món này vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng sành ăn đó nhé, thậm chí có những món ăn bạn còn được ăn hằng ngày, chỉ là khác cái tên mà thôi.
Tung lò mò
Món tung lò mò là đặc sản của vùng đất An Giang, có cái tên bắt nguồn từ "tung laomaow" - món ăn của người Chăm. Dù cái tên nghe rất lạ lùng và gây tò mò nhưng thực chất nó là lạp xưởng mà chúng ta thường thấy trong các món xôi hay những ngày lễ Tết. Tuy nhiên, nhiều người từng có cơ hội ăn tung lò mò lại nhận xét rằng món ăn của An Giang có hương vị độc đáo hơn lạp xưởng. Dù có tên lạ, thực chất, món này chính là lạp xưởng. Tuy nhiên, nhiều người từng ăn nhận xét tung lò mò vẫn có vị độc đáo hơn.
Tung lò mò khác với lạp xưởng là thành phần của nó chỉ có thịt bò, không sử dụng thịt lợn. Phần vỏ bên ngoài làm từ ruột bò và được người dân chế biến sạch bằng nước muối, sau đó lộn ngược lại và nhồi nhân vào trong và đem phơi nắng.
Tung lò mò là món lạp xưởng đặc biệt của người An Giang, nhân bên trong gồm thịt vụn, mỡ bò, ruột bò say sánh mịn, đôi khi còn thêm cả thịt bắp, thịt đùi, để tăng hương vị đậm đà cho món ăn thì người dân An Giang sử dụng gia vị là tiêu, gừng, hoa hồi.
Người An Giang có nhiều cách thưởng thức món ăn này, chủ yếu là hấp và nướng, và chỉ ăn ngon khi còn nóng hổi. Chấm một miếng tung lò mò với nước tương đem tới sự hòa trộn hương vị đậm đà trong khoang miệng.
Tả pí lù
Tả pí lù là loại lẩu nổi tiếng của người Hoa nhưng hiện nay đã trở thành đặc sản của người dân khu vực Nam Bộ. Điểm khác biệt của tả pí lù so với các loại lẩu khác là được nấu trong loại nồi đặc biệt có tên là cù lao. Sở dĩ có cái tên này vì nồi có ống đốt nằm giữa giống như một cù lao. Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển với sự hiện đại nên nồi lẩu cù lao cũng không còn được thông dụng nữa, người ta chỉ giữ lại hương vị của tả pí lù, còn loại nồi lẩu thì thay thế bằng nồi lẩu hiện đại.
Lẩu tả pí lù dùng loại mì Phúc Kiến chứ không dùng mì tôm hay mì trắng như các quán lẩu khác. Nước dùng của người Hoa nên sẽ có vị cay đặc trưng, có sa tế, tàu vị yểu, ớt nhưng với người dân Nam Bộ thì bớt lại vị cay, thay vào đó sẽ pha giấm với đường để tăng vị chua cay và ngọt thanh cho món ăn. Các món ăn kèm lẩu gồm rau sống, thịt bò cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, cá, mực, tôm...
Cơm âm phủ
Cơm âm phủ - cái tên nghe thật đáng sợ và chẳng ai dám nhìn vào chứ đừng nói gì là thưởng thức. Nhưng thực ra, đây lại là một món ăn có phần "cấu trúc" rất xinh đẹp, bao gồm các thành phần vô cùng quen thuộc như trứng chiên, nem chua, chả giò, thịt nướng, dưa chuột, hành phi được cắt xắt nhỏ và bày biện riêng biệt trên đĩa. Cơm âm phủ là món ăn vô cùng nổi tiếng ở Huế.
Món cơm này có khá nhiều điển tích, có người bảo cơm âm phủ có từ thời Minh Mạng và được bán vào rằm tháng 7 hằng năm, do đó món ăn này mới được đặt với cái tên mang hơi hướng âm phủ. Nhưng nhiều người lại cho rằng sở dĩ gọi là cơm âm phủ vì món cơm này thường bán vào đêm nhằm phụ vụ cho những người bốc vác nghèo phải làm việc vào đêm.
Bánh coóc mò
Bánh coóc mò là loại bánh đặc sản của người Tày ở xứ sở chè xanh Thái Nguyên. Nguyên liệu chính làm ra món ăn này vô cùng đơn giản, gồm có gạo nếp cái hoa vàng, lạc, muối và được gói cẩn thẩn bằng lá chuối hoặc là dong. Bánh được gói giống như một cái sừng bò nên được đặt tên là bánh coóc mò.
Bánh coóc mò có 2 loại có nhân và không có nhân, trong đó bánh không nhân có phần phổ biến hơn vì để được lâu. Điểm đặc trưng của bánh coóc mò có sự dẻo dai và thơm bùi nên ăn không đã rất ngon, tuy nhiên nhiều người vẫn thích chấm cùng đường, mật hoặc muối vừng để thêm đưa đẩy vị giác.