Măng đắng nộm hoa ban, món đặc sản từ hoa nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/02/2022 23:19 (GMT +7)
Từ nguyên liệu chính là hoa ban tươi và măng đắng, đồng bào miền núi Tây Bắc đã nghĩ ra món măng đắng nộm hoa ban lạ miệng.
Nếu có dịp ghé thăm các tỉnh Tây Bắc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, bạn không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những cánh hoa ban nở trắng trời mà còn có cơ hội thưởng thức món măng đắng nộm hoa ban đặc biệt của người Thái ở đây. Hoa ban thường có hai loại là ban trắng và ban tím. Nếu như hoa ban trắng mang đến vẻ đẹp tinh khôi chỉ điểm một chút tím phớt thì ban tím lại rực rỡ và bắt mắt hơn hẳn.
Không chỉ tô điểm núi rằng, với những bông hoa ban tươi, người ta đã sáng tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn như hoa ban hầm móng giò, hoa ban xào thịt gà, nộm hoa ban với rau cải… Thế nhưng một trong những món ăn khiến nhiều người thích hơn cả là măng đắng nộm hoa ban.
Để làm được món ăn này, người chế biến thường sử dụng loại măng đắng, lá và hoa ban cùng với nhiều nguyên liệu khác như cá suối nướng, giềng, thú nau (loại tương ủ men đặc trưng của người dân tộc Thái) và gia vị.
Món măng đắng nộm hoa ban ngon nhất khi được sử dụng những bông hoa ban tươi vừa được hái trên cây. Sau khi đã chọn lựa kỹ, người ta sẽ hái hoa ban mang về nhà, ngắt lấy phần lá ôm nụ hoa để hoa ban có cả vị ngọt lẫn vị chát. Trước khi làm nộm, hoa ban sẽ được mang đi luộc qua trên lửa to. Trong quá trình luộc, cần phải mở vung nồi và đảo liên tục cho hoa ban chín vừa tới, không nên để hoa ban chín quá vì nếu không hoa sẽ mềm nhũn và nát. Để món ăn thêm hấp dẫn thì nhiều vùng luộc hoa ban cùng các loại rau rừng hoặc các loại rau như như ngọn rau bí, su su…
Ngoài hoa ban thì món măng đắng nộm hoa ban còn có thêm măng đắng và cá suối nướng. Loại măng đắng khi mang về sẽ được bóc lớp vỏ ngoài, sau đó đem thái mỏng và luộc chín. Còn cá suối sẽ được nướng dưới lớp than hồng, khi thấy cá chuyển sang màu đen xém lại và toả mùi thơm hấp dẫn là được. Sau khi cá đã chín, người ta sẽ khéo léo gỡ lấy phần thịt cá để làm nộm, nhờ vậy mà vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên của cá.
Khi đã sơ chế xong, các nguyên liệu này được cho vào một chiếc nồi to, trộn cùng nhiều nguyên liệu như riềng giã nhỏ, muối, ớt, tỏi, hạt mắc khén…, trộn đều và chờ khoảng 15 phút cho thấm đều gia vị là có thể cho ra đĩa để thưởng thức.
Món măng đắng nộm hoa ban nổi bật với mùi thơm đặc trưng, không chỉ là mùi thơm của hoa ban mà hoà quyện vào đó còn là mùi của riềng và hạt mắc khén rừng. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị hoa ban bùi béo, vị giòn ngon và chút đắng dịu của măng, vị ngọt béo của cá suối và vị mặn vừa phải từ gia vị. Món nộm sự kết hợp của nhiều vị như cay, đắng, ngọt, chua, bùi… lúc đầu mới ăn bạn có thể cảm thấy hơi chát và đắng nhưng khi đã nuốt thì sẽ có vị ngọt ở cổ.
Nếu có dịp đến thăm một số vùng người dân tộc Thái ở Tây Bắc, bạn nên thưởng thức món măng đắng nộm hoa ban giản dị này nhé.