Góc khuất ngành thời trang: Kiệt sức. Mệt mỏi. Và dấu chấm hết định mệnh
- hải đường
- Đăng lúc: Thứ ba, 10/11/2020 12:21 (GMT +7)
Bệnh trầm cảm của những người làm nghề sáng tạo là một góc khuất ngành thời trang không phải ai cũng muốn thẳng thắn thừa nhận.
Thời trang là một giấc mơ diễm lệ xa hoa mà không ai muốn thức giấc. Tuy nhiên, đằng sau vẻ diễm lệ, xa hoa đáng thèm khát đó là những mảng màu đen tối có thể đẩy người ta đến những quyết định kinh khủng nhất trong cuộc đời của mỗi người.
11/02/2010, thi thể của Alexander McQueen được tìm thấy trong căn hộ của mình, xác nhận tử vong do dùng hỗn hợp cocaine, thuốc ngủ và thuốc an thần. Làng mốt đau buồn, bàng hoàng nhưng cái kết này không thật sự khó hiểu.
McQueen đã chìm đắm trong hố sâu trầm cảm ít nhất 3 năm và đã từng có hai lần cố gắng tự kết liễu cuộc đời mình. Nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng trên nằm ở việc ông phải vắt kiệt sức để làm việc trong thời gian quá lâu, dẫn tới chứng trầm cảm.
Câu chuyện những người nổi tiếng trong giới thời trang phải dùng chất kích thích để xoa dịu bản thân đáng buồn thay, lại là điều không hề hiếm gặp:
Yves Saint Laurent chìm đắm trong ma túy và rượu tới mức không thể lết nổi ra chào khán giả lúc kết show.
Giám đốc sáng tạo Dior một thời, Galliano thì bị hãng tống cổ sau những phát ngôn phân biệt chủng tộc - hậu quả sau khi phê ngất trời với vodka và ma túy.
Sự điên loạn
Trước đây, thế giới thời trang từng chỉ có mỗi năm 2 show diễn lớn là tuần lễ thời trang xuân - hè và tuần lễ thời trang thu - đông. Nhưng khi thời trang mỳ ăn liền tham gia vào cuộc chơi, cục diện đã thay đổi. Mọi thứ đều trở nên nhanh hơn, gấp gáp hơn, con người cũng vì thế mà phải lao vào guồng quay của ngành thời trang với tâm thế của những cuộc đi đày: Haute couture sẽ ra mắt vào tháng 1 và tháng 7, Ready-to-wear diễn ra vào Thu và Xuân, rồi thì BST Cruise, nước hoa, trang sức mỹ phẩm... Hãy thử tưởng tượng chúng ta cứ phải liên tục làm việc, làm việc và làm việc - vắt kiệt sức sáng tạo trong những sức ép kinh khủng từ bốn phương tứ phía (nhà đầu tư, công chúng, truyền thông, những người đồng nghiệp), sẽ mệt mỏi và tuyệt vọng đến mức nào.Chỉ có Chúa mới giúp những người trong thế giới lấp lánh đó không trở nên phát điên.
Trong khi đó, công chúng thì ngày càng trở nên khó tính. Họ mặc sức thóa mạ những NTK mà họ cho là không vừa mắt. Galliano từng bày tỏ nỗi bức xúc trong một cuộc phỏng vấn với Vanity Fair: “Mỗi khi nghĩ ra một mẫu thiết kế nào đó, lại có ngàn tiếng nói vang vọng trong tôi rằng chúng chưa là phiên bản hoàn hảo nhất. Sớm hay muộn, nếu không tìm được lối thoát, tôi sẽ kết thúc trong bệnh viên tâm thần hoặc là xuống làm bạn với giun mà thôi.”
Bị áp lực và kỳ vọng cao cùng với một khối lượng công việc khổng lồ đã khiến nhiều người cảm thấy lo âu và trầm cảm. Tuy nhiên, những ông chủ trong ngành công nghiệp tỉ đô thì không quan tâm.Tiền, và danh tiếng là tất cả những gì họ muốn.
Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, truyền thông cũng có tác động to lớn tới những người làm việc trong ngành thời trang khi bên cạnh đả kích, chê bai thành quả của các NTK, thì mặt khác, họ lại thi vị hóa những thứ độc hại như rượu, ma túy, giảm cân, tiệc tùng và chất kích thích.
Những cá thể mong manh
Những nghệ sĩ nhạy cảm, mong manh nhất là những người có thể sáng tạo nên những tác phẩm để đời. Tuy nhiên, nhạy cảm một chút thì không sao, nhưng nhạy cảm nhiều chút, cứ phát đi phát lại bản nhạc u sầu đó thì chắc chắn bản thân lâu ngày sẽ tự đẩy mình vào cơn trầm cảm, đau đớn và căng thẳng. “Tôi đã phải chạy quanh các người mẫu, stylist các nhân vật thời trang với một chai rượu trong tay, lúc đó tôi thấy mình thật đơn độc.” - Marc Jacob chia sẻ.
Tuy nhiên, có những người thực sự đam mê làm việc đến mức cuồng si. Karl Largerfield từng nói: "Ngành công nghiệp thời trang bây giờ là một cuộc đua, nếu không muốn bị đào thảo ngay ngày đầu thì bạn phải chạy.”
Dù vậy, chúng ta cũng không nên phớt lờ những áp lực kinh khủng mà những con người làm việc trong đó phải chịu đựng.
Lối thoát
Trong cuộc đua đó, đã có những người đã lựa chọn dừng lại. Viktor & Rolf đã bỏ qua thế giới ready-to-wear khốc liệt để chỉ tập trung vào haute couture. Nhà thiết kế người Tunisia – Azzedine Alaïa thì từ chối chạy theo tuần lễ thời trang mà chỉ ra mắt sản phẩm khi cảm thấy sẵn sàng và thực sự muốn.
Áp lực là cần thiết ở bất cứ lĩnh vực nào, để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong công việc. Tuy nhiên những người làm nghề sáng tạo cũng cần căn cứ tình hình thực tế, sức khỏe trí lực, từ đó điều chỉnh hành vi cho phù hợp để không đẩy bản thân rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc dẫn đến trầm cảm. Thế giới không muốn mất đi thêm một Alexander McQueen nào nữa.