Theo thống kê của Forbes năm 2019, Louis Vuitton (LV) là thương hiệu đắt giá nhất thế giới với định giá 39.3 tỉ USD, gấp 2 lần nhãn hiệu đứng thứ hai là Gucci (18.6 tỉ USD).
Từ lâu, LV được coi là biểu tượng cho niềm khát khao của những kẻ say mê thời trang. Bạn sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một món đồ nào có giá ít hơn 1000 USD trong các cửa tiệm xa hoa của nhà mốt nước Pháp. Chúng luôn được bán nguyên giá bất kể 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, đến mùa khuyến mại hay đại khuyến mại thì cũng thế thôi, không bao giờ có chuyện LV giảm giá.
Giá mà hãng đưa ra không chỉ phản ánh đẳng cấp của thương hiệu, khấu hao của những màn Marketing đắt tiền mà cốt lõi còn nằm ở giá trị đích thực của sản phẩm. Tất cả các sản phẩm túi của hãng đều được làm bằng tay và mất khoảng một tuần để hoàn thiện. Thậm chí, thương hiệu còn có nguyên một đội ngũ chỉ chuyên đi soi đường kim mũi chỉ trên túi. Dù đó có là sản phẩm nào, đắt đỏ đến đâu, chỉ cần thừa một lỗ kim cũng sẽ bị tiêu hủy ngay lập tức thành nhiều mảnh tại xưởng sản xuất. Đó là lý do mà tất cả các túi cùng dòng của LV đều có số lượng lỗ kim y hệt nhau, không thừa không thiếu.
Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra chất lượng của hãng cũng đứng số 1 thế giới. Một chiếc túi trước khi đến tay người dùng phải trải qua bài kiểm tra thả rơi từ độ cao nửa mét liên tục trong 4 ngày, trong quá trình đó, chúng sẽ phải đựng đồ vật có trọng lượng 3,5kg.
Không chỉ vậy, LV còn thực hiện những bài kiểm tra như chiếu tia cực tím để đảm báo túi không phai màu, kéo khóa kéo trong 5000 lần, thử đốt, thử ngâm nước... tất cả để chắc chắn rằng sản phẩm đến tay khách hàng sẽ ở trong trạng thái hoàn hảo nhất
Sau mỗi mùa mốt, những chiếc túi "ế" - không bán được sẽ lập tức được chuyển ngược về xưởng gia công tại Pháp để tiêu hủy ngay tức thì. Tuy nhiên, có một số lời đồn nói rằng, LV sẽ bán lại cho nhân viên với giá siêu rẻ kèm điều kiện không được bán lại cho bên thứ 3.
Tại sao LV phải kiểm soát gắt gao tất cả các khâu như vậy? Theo Mark Ellwood, tác giá cuốn Bargain Fever: How to Shop In A Discounted World, từ những năm 70, thương hiệu đã áp dụng theo phương pháp Vertical Intergration (liên kết theo chiều dọc).
Có nghĩa là các sản phẩm của hãng sẽ đi thẳng từ xưởng sản xuất đến các cửa hàng của hãng và ngược lại mà bỏ qua khâu trung gian thứ 3. Với cách làm này, LV nắm toàn quyền kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như số lượng phân phối đến từng cửa hàng. Hãng cũng nói không với việc bán buôn – điều có thể khiến thương hiệu LV bị mất giá
Chính sách này đã giúp LV sau bao nhiêu năm vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 40% hoặc cao hơn so với mức 15-20% từ các thương hiệu cao cấp khác.
Hiện nay, thương hiệu Louis Vuitton đang thuộc quyền sở hữu của tập đoàn LVMH, tập đoàn đồng thời sở hữu những tên tuổi máu mặt khác như Dom Perignon, Bulgari, Sephora, Tag Heuer...
Bình luận