Mâm cỗ Tết Quảng Nam truyền thống đặc sắc tới mức nào?
- Nhat Duong
- Đăng lúc: Thứ tư, 03/02/2021 16:26 (GMT +7)
Ngoài giá trị tinh thần, sự đoàn viên gia đình, mâm cỗ tết Quảng Nam còn mang những tinh hoa văn hóa, ẩm thực riêng mà khi nhìn vào nhiều người phải trầm trồ.
Vào những ngày đầu tiên của năm mới, mỗi gia đình dù ở vùng miền nào đều sửa soạn những mâm cỗ, mâm cơm tươm tất nhất để mong cầu một năm mới may mắn. Người dân Quảng Nam cũng vậy. Với người dân xứ Quảng, mâm cỗ tết chính là biểu hiện cho lòng hiếu kính, ghi nhớ công ơn tổ tiên, bữa cơm đoàn viên, và còn là tinh hoa ẩm thực lưu truyền qua nhiều đời.
Mâm cỗ tết xứ Quảng được chuẩn bị kĩ lưỡng vào các sáng sớm ba ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Trước khi cả nhà cùng quây quần và thưởng thức mâm cỗ cùng nhau, đại diện gia đình sẽ thành kính thắp nhang, đọc lời cúng và dâng cỗ để hiếu kính, mời tổ tiên dùng bữa trước. Chính vì thế, một mâm cỗ tết không thể nào qua loa mà phải thật chu toàn từ hình thức cho tới hương vị món ăn, có thể mới thể hiện được hết ý nghĩa của một mâm cỗ tết.
Khác với mâm cỗ Têt miền Bắc điển hình gồm gà luộc nguyên con; bánh chưng; nem rán (ở miền trong thường gọi là ram); thịt đông; rau củ xào; canh nấm; canh măng; dưa chua; xôi gấc; cá rán; mứt và hoa quả... Ở Quảng Nam, một mâm cỗ tết truyền thống bắt buộc phải có thịt heo luộc thái lát. Một số nhà sẽ cungs đầu heo đã nấu chín và bày trí cẩn thận, đẹp mắt.
Bánh trong mâm cỗ Tết Quảng Nam sẽ là bánh Tét thái lát và bánh tét tro, loại bánh làm từ gạo nếp và ngâm với nước tro của các loại lá như lá mè (vừng), lá thị... Bánh tét tro có thể được xem là món bánh đặc sắc của mâm cỗ Tết Quảng Nam bởi sẽ cho ra hương vị thơm dẻo của lá, rất đặc biệt.
Một món ăn khác cũng rất độc đáo trên mâm cơm Tết Quảng Nam là nem thịt heo nướng chín. Món nem này được làm từ thịt heo thái nhỏ đã tẩm ướp gia vị, lá chanh, sả, gói kĩ lại bằng lá chuối thành một khối lập phương cạnh từ 5-8cm. Về cơ bản món này hơi mang hơi hướng nem chua nhưng không có bì và vị chua cũng nhẹ hơn. Khi ăn, món này thay vì bỏ ra ăn sống sẽ được nướng chín trên than hồng.
Sở dĩ có món này bởi Tết Quảng Nam thường nóng, đồ khó bảo quản, cách làm này có thể bảo quản thịt từ 3-7 ngày. Chưa kể khi nướng thịt món thịt thơm chua chua, bùi bùi, ăn rất lạ miệng.
Một số món ăn khác trong mâm cơm Tết xứ Quảng bao gồm một đĩa rau củ xào, một đĩa củ kiệu muối kĩ, một chiếc bánh tráng nướng (bánh đa nướng) vừa đủ chín để người xứ Quảng ăn chung với bánh tét, một bát canh khổ qua dồn thịt giống như cỗ Tết của người miền Nam.
Đối với món gà, người Quảng Nam không bày gà nguyên con hay gà chặt miếng mà chuộng gà xé nhỏ trộn rau răm và muối tiêu thơm lừng. Một đĩa gà xé, một đĩa cá biển kho nghệ vàng ươm bắt mắt là những món phải có để mâm cơm Tết được trang trọng.
Với người dân xứ Quảng, mâm cỗ Tết cũng cũng chính là tinh thần của con người nơi đây. Với sự chân chất, phóng khoáng của người miền Trung, dù chịu nhiều thiên tai hay cuộc sống khó khăn, mâm cỗ tết dâng tổ tiên, bữa ăn gia đình sum vầy, thiết đãi khách tời thăm đều phải đầy đủ thịt, cá, bánh trái tươm tất.
Ngày nay mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn trong cuộc sống mọi miền, một mâm cỗ tết có thể đặt trước để hàng quán ship tận nơi. Nhưng với người xứ Quảng nói chung và vùng quê xứ Quảng nói riêng, họ vẫn dành trọn tâm huyết vào những mâm cỗ đầu năm như là một lời cảm ơn cuộc sống và giữ gìn bản sắc nơi đây.