Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ sáu, 16/10/2020 14:16 (GMT +7)
Biểu hiện điển hình của bệnh là sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39-40 độ C, bên cạnh đó là mệt mỏi, nhức đầu, đau mỏi các cơ khớp.
Tính đến đầu tháng 10/2020, Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Đặc biệt tầm tháng 10, 11, bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh do điều kiện thời tiết ẩm ướt. Do đó nếu có biểu hiện sốt cao, bệnh nhân cần thăm khám kịp thời, nhất là trẻ em. Bệnh biểu hiện khá đa dạng, có thể diễn biến nhanh từ thể nhẹ sang thể nặng không tiên lượng trước được. Nguy hiểm hơn nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, người mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong.
Biểu hiện điển hình của bệnh sốt xuất huyết là sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39-40 độ C, bên cạnh đó là mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp, sốt liên tục kéo dài 5-7 ngày, có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8-10 ngày.
Xuất huyết là triệu chứng giúp dễ nhận biết được trên lâm sàng và thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt trở đi. Bên cạnh đó ở bệnh nhi thường thấy gan to dưới bờ sườn, mềm.
Từ ngày thứ 3 sau sốt, thành mạch máu giãn nở, hiện tượng thoát mạch này dẫn đến tình trạng cô đặc máu do giảm thể tích huyết tương và dẫn đến sốc. Sốc nhẹ (sớm) thường có biểu hiện là trẻ vật vã, huyết áp hạ hoặc kẹt, chân tay lạnh, tiểu ít. Khi bị nặng người bệnh sẽ lơ mơ, mê sảng, huyết áp không đo được, vô niệu.
Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị, do đó cần kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy, muỗi, lăng quăng và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.