Não vẫn tồn tại được dù tách khỏi cơ thể: Hoạt hình đã trở thành thực tế?

Chúng ta có thể tạo ra não trong thùng như trong phim hoạt hình không?

Liệu một bộ não có thể tự tồn tại khi tách rời hoặc độc lập với cơ thể? Trong một thời gian dài, các nhà triết học đã suy nghĩ về những kịch bản "não trong thùng" như vậy, đồng thời đặt câu hỏi liệu những bộ não biệt lập có thể duy trì ý thức và các giác quan khi tách khỏi cơ thể không.

Nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng liệu khoa học thực tế có thể giữ cho một bộ não sống trong thùng không?

Thông thường, một mạng lưới tương tác giữa não, cơ thể với môi trường tạo ra trải nghiệm của con người. Nhưng những phát triển gần đây trong khoa học thần kinh đã khiến các nhà khoa học chuyển từ các suy đoán giả thuyết và khoa học viễn tưởng sang những ví dụ về nơi ý thức có thể bị tồn tại biệt lập.

Trong một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Trends in Neuroscience (Xu hướng Khoa học Thần kinh), nhà triết học Tim Bayne, thuộc Đại học Monash ở Melbourne cùng các nhà khoa học thần kinh Anil Seth, thuộc Đại học Sussex ở Anh, và Marcello Massimini, Đại học Milan ở Ý, mô tả các bối cảnh trong đó những "hòn đảo nhận thức" như vậy có thể tồn tại.

Trong một tình huống có thể xảy ra, một bộ não đã bị loại bỏ khỏi vật chủ có thể duy trì ý thức bằng cách sử dụng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng được cung cấp thông qua một số thiết bị.

Trong một nghiên cứu hệt như phim kinh dị, các nhà nghiên cứu đã phục hồi thành công lưu lượng máu đến các tế bào não, những chức năng của tế bào thần kinh và hoạt động của các khớp nốt thần kinh tự phát trong não của lợn sau khi chết và được kết nối với một hệ thống tên là BrainEx. Hệ thống này được thiết kế để làm chậm sự thoái hóa của mô não sau khi chết, có thể được kết nối với đáy não, cung cấp máu ấm có oxy nhân tạo.

Một bộ phim hoạt hình khoa học viễn tưởng thường sử dụng hình ảnh "não trong thùng"

Khi điều trị cho những người bị chứng động kinh nặng, các bác sĩ thường đưa ra phương án là phẫu thuật cắt bán cầu chức năng, tách hoàn toàn nửa não bị tổn thương khỏi bán cầu còn lại, thân não và đồi thị. Trong những trường hợp này, nửa não bị tổn thương vẫn còn bên trong hộp sọ và được kết nối với hệ thống mạch máu. Trong khi bán cầu còn lại tiếp tục nhận được các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho hoạt động, một số người đã tự hỏi liệu bán cầu bị cô lập này có hỗ trợ ý thức với bán cầu đối lập không.

Liệu bán cầu bị tách ra có hỗ trợ ý thức cho bán cầu còn lại không?

Và các nhà khoa học đã tạo ra những bộ não nhỏ trong môi trường phòng thí nghiệm, với cấu trúc 3D được phát triển từ các tế bào gốc hiển thị các đặc điểm khác nhau của não người đang phát triển. Một số não được phát triển trong khay thí nghiệm này có sóng não tương tự như sóng não ở trẻ sinh non.

Những bộ não nhỏ được phát triển trong phòng thí nghiệm

Nhưng trong số những "bộ não" này, có cái nào thực sự sở hữu ý thức không?

Các nhà khoa học không thể suy ra ý thức từ hành vi trong những trường hợp này, và cũng không thể hỏi các bộ não này liệu chúng có đang trải nghiệm ý thức không. Để giải đáp câu hỏi hóc búa này, các nhà khoa học thần kinh đã nghĩ ra một phương pháp đo lường ý thức "khách quan" tiềm năng.

Ví dụ, các nhà khoa học có thể sử dụng chỉ số phức tạp rối loạn (PCI), dựa trên mức độ tương tác giữa các tế bào thần kinh trong các bộ não này. Họ sẽ kích thích điện một phần của não và sau đó đo các khuôn mẫu kết quả của hoạt động thần kinh để đánh giá mức độ phức tạp của các tương tác giữa tế bào não. Nếu kết quả đo lường các tương tác này mang nhiều thông tin, hệ thống não đó có thể được coi là có mang ý thức.

Cũng giống như việc ném một viên đá xuống ao và đo các gợn sóng được tạo ra. Nếu các gợn sóng tương tác với các đối tượng khác trong ao, tạo ra nhiều gợn sóng hơn, thì hệ thống càng có ý thức.

Bayne nói với Live Science: “PCI đã chứng minh hiệu quả trong việc phát hiện nhận thức bị ngắt quãng trong khi mơ, gây mê tĩnh mạch và cũng đã được áp dụng hiệu quả cho những bệnh nhân bị chấn thương não nghiêm trọng."

Ngay cả khi ý thức hóa ra không thể quy giản về bất kỳ tín hiệu thần kinh nào trong não, Bayne tin rằng nhiệm vụ phát triển một thước đo "khách quan" cho ý thức vẫn là hợp lý.

Mặc dù có thể chưa trả lời dứt khoát câu hỏi liệu ý thức có hiện diện trong những bối cảnh này không, nhưng những kỹ thuật này sẽ cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi như liệu các "hòn đảo nhận thức" có cùng mức độ phức tạp thần kinh như bộ não của các chủ thể có ý thức không. Hay những bộ não này sẽ từ từ mất dần ý thức?

Việc hiểu được ý thức có thể sẽ như thế nào trong những trường hợp như vậy còn đưa ra một vấn đề thậm chí phức tạp hơn.

(Theo Livescience)

Bài liên quan

News feed