Cả hai nơi đều có xuất phát điểm là những vùng lạnh giá nhất trên trái đất, nhưng mà “người chiến thắng” chỉ có một - Hãy đoán xem là ai nhé!!
Bắc Cực và Nam Cực là những nơi lạnh nhất trên địa cầu. Những tưởng hai khu vực này đều lạnh giá như nhau, nhưng thật bất ngờ khi có một bên lạnh hơn hẳn so với bên còn lại.
Câu hỏi đặt ra là cực nào có nhiệt độ thấp hơn? Cả Bắc Cực và Nam Cực đều lạnh vì vị trí của chúng ở phía trên và dưới cùng của trái đất, đồng nghĩa với việc ở cả hai nơi, mặt trời luôn nằm thấp phía chân trời, ngay cả vào giữa mùa hè. Vào mùa đông, mặt trời nằm rất xa phía dưới đường chân trời, nó thậm chí còn không xuất hiện trong nhiều tháng liền.
Ngoài ra, bề mặt của băng tuyết ở những nơi đó có tính phản chiếu cao. Điều này có nghĩa là hầu hết năng lượng từ ánh sáng mặt trời chiếu tới chúng sẽ phản xạ trở lại không gian, giữ cho không khí trên bề mặt tương đối mát mẻ và lạnh lẽo.
Theo Viện Hải dương học Woods Hole, mặc dù những yếu tố này khiến cả hai cực trở nên lạnh giá, nhưng Nam Cực vẫn lạnh hơn đáng kể so với Bắc Cực. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bắc Cực là âm 40 độ C vào mùa đông và 0 độ C vào mùa hè. Ngược lại, nhiệt độ trung bình của Nam Cực lại lạnh hơn rất nhiều, với nhiệt độ trung bình hàng năm là âm 60 độ C vào mùa đông và âm 28,2 độ C vào mùa hè.
Lý do chính khiến Nam Cực lạnh hơn Bắc Cực là vị trí địa lý. Robin Bell, một nhà khoa học về địa cực tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia ở New York, chia sẻ với Live Science: “Bắc Cực là một đại dương và Nam Cực là một lục địa”.
Bắc Cực là một đại dương được bao quanh bởi đất liền. Trong khi đó Nam Cực lại đối nghịch, là vùng đất được bao quanh bởi đại dương. Nước nguội nhanh và ấm lâu hơn so với đất liền, dẫn đến nhiệt độ thấp hơn. Ngay cả khi Bắc Băng Dương bị bao phủ bởi băng, nhiệt độ tương đối ấm của vùng biển có tác động điều hòa đến khí hậu ở đó, giúp Bắc Cực ấm hơn Nam Cực.
Ngoài ra, Bắc Cực nằm ở mực nước biển, còn Nam Cực lại là lục địa cao nhất, với độ cao trung bình khoảng 2.300 feet (2.300 mét). Khi chúng ta càng lên cao, không khí càng se lại và lạnh giá hơn.
Ở cả hai cực Bắc và Nam, lớp băng bao phủ thay đổi liên tục trong năm, nó sẽ phát triển trong mùa đông dài và tăm tối, sau đó tan chảy nhanh chóng khi bước vào mùa hè oi ả.
Hầu hết sự biến đổi về lớp băng phủ ở cả hai cực Bắc và Nam bắt nguồn từ những phiến băng trôi nổi, phát triển và tan chảy trên đại dương. Vì Bắc Cực gần như được bao bọc hoàn toàn bởi đất liền nên băng biển hình thành ở đó không có tính di động nhiều như băng biển ở Nam Cực. Do đó, các tảng băng ở biển Bắc Cực có nhiều khả năng hội tụ hơn, thường làm cho những phiến băng đó dày hơn tầm khoảng 6 đến 9 feet (2 đến 3 m) so với băng ở biển Nam Cực, khoảng 3 đến 6 feet (1 đến 2m) dày, theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia (NSIDC).
Trung bình, băng ở biển Bắc Cực đạt mức tối thiểu khoảng 2,5 triệu dặm vuông (6,5 triệu km vuông) và mức tối đa là 6 triệu dặm vuông (15,6 triệu km vuông) (NSIDC công bố). Trong khi đó thì trung bình, biển băng ở Nam Cực có diện tích tối thiểu nhỏ hơn là 1,2 triệu dặm vuông (3,1 triệu km vuông) và phạm vi tối đa lớn hơn là 7,2 triệu dặm vuông (18,8 triệu km vuông).
Dựa trên các số liệu đã thu thập thì không nghi ngờ gì nữa, Nam Cực sở hữu tổng lượng băng nhiều hơn Bắc Cực. Điều này là do Nam Cực là nơi có băng đổ bộ chưa kể những phiến băng đến từ đại dương - tảng băng trên Nam Cực dày tới 3 dặm (4,8 km) và có diện tích khoảng 5,3 triệu dặm vuông (13,7 triệu km vuông), xấp xỉ bằng diện tích tổng của Hoa Kỳ và Mexico (theo National Science Foundation). Nhìn chung, Nam Cực chứa khoảng 90% lượng băng trên thế giới.
Cecilia Bitz, một nhà khoa học khí hậu vùng cực tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết: “Thể tích và khối lượng của băng trên mặt đất ít thay đổi vào mùa hè hơn so với mùa đông vì thể tích và khối lượng của chúng rất lớn”.
Các cuộc điều tra về lượng băng ở hai cực địa cầu cho thấy rằng cả độ dày và phạm vi của băng biển mùa hè ở Bắc Cực đã giảm đáng kể trong 30 năm qua. Điều này hoàn toàn khớp với các quan sát và suy đoán của các nhà khoa học về một Bắc Cực đang dần ấm lên.
(Theo Livescience)
Bình luận