Bạn có biết ngày Nhà giáo Việt Nam bắt nguồn từ mục đích đánh thực dân Pháp
- Mimo
- Đăng lúc: Thứ tư, 11/11/2020 23:24 (GMT +7)
Có lẽ ít ai biết, Ngày Nhà giáo Việt Nam bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử quan trọng trong hành trình đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.
Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hàng năm vào 20 tháng 11. Đây là dịp tôn vinh những nỗ lực cống hiến của các thế hệ thầy giáo, cô giáo Việt Nam trong sự nghiệp trồng người. Toàn thể nhân dân Việt Nam đều biết tới ngày 20 tháng 11. Tuy nhiên, ngoài mục đích tôn vinh, không có nhiều người biết rõ nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của ngày đặc biệt này.
Khởi đầu vì mục đích chống thực dân Pháp
Sau khi giành được chính quyền từ phát xít Nhật, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được lập nên, lãnh đạo nhân dân bước vào một giai đoạn kháng chiến mới nhằm giành độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Ngày 22/7/1951, tại chiến khu Việt Bắc, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập, thực hiện song song hai nhiệm vụ: vừa bồi dưỡng nhân lực đào tạo nhân tài vừa làm công tác chính trị, ngoại giao quốc tế để đánh Pháp trên mặt trận tri thức.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với tổ chức FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục) nhằm mượn tiếng nói của các diễn đàn quốc tế để tố cáo âm mưu tội ác của thực dân đế quốc với toàn thế giới.
FISE là một tổ chức quốc tế tập hợp những nhà giáo có tư tưởng tiến bộ, được thành lập vào tháng 7/1946 tại Paris, thủ đô nước Pháp.
Năm 1949, Tổ chức FISE đã xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương tại Hội nghị quốc tế Vacsava tại thủ đô của Ba Lan – Varsovie. Hiến chương được hình thành bởi những tư tưởng tinh hoa, hiện đại của những nhà giáo ưu việt nhất, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ của thời đại.
Nhờ những giá trị sản sinh ra từ nền giáo dục văn minh, nội dung của Hiến chương thể hiện những tư tưởng đấu tranh chống nền giáo dục phong kiến, tư sản, bảo vệ tinh thần chân chính chất của nhà giáo.
Chính nhờ niềm tin vào những cá nhân xuất sắc của tổ chức, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thông qua đó, vạch mặt những tội ác mà thực dân Pháp đã làm với nhân dân Việt Nam, cũng như những người học trò và người thầy bản địa.
Mặt khác, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tranh thủ giới thiệu những thành tích của nên giáo dục cách mạng, giành lấy sự đồng tình ủng hộ của giáo viên trên toàn thế giới. Nhờ vào những tuyên truyền của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã được tiếp thêm sức mạnh của ngọn lửa tri thức.
Năm 1957, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng 56 nước khác tham dự Hội nghị FISE, ra quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc lần đầu tiên vào năm 1958. Từ năm 1959, các vùng được giải phóng ở miền Nam cũng tham gia tổ chức cùng toàn thể nhân dân miền Bắc, tôn vinh những nhà giáo của dân tộc.
Ngày 20/11 tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt
Năm 1982, Ngày 20/11 được chọn là ngày Nhà giáo Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức trọng thể trên toàn quốc.
Vào ngày này hàng năm, ngành giáo dục tổ chức các công tác đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh trên cả nước đồng lòng thể hiện lòng biết ơn, sự kính mến đối với những thầy, cô giáo của mình.
Với truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày 20/11 cũng là ngày để học sinh, phụ huynh tri ân thầy cô đã dạy dỗ, mở cánh cửa tri thức cho mỗi người bước vào đời. Vào ngày này, người Việt thường đến thăm thầy cô giáo cũ của mình thay cho việc thăm viếng vào dịp Tết như truyền thống xưa. Tại nhiều địa phương, thăm thầy cô giáo được diễn ra vào cả hai dịp là Tết cổ truyền và 20/11.