Nghề tay trái của giáo viên thời bao cấp: Chăn nuôi lợn, buôn nước mắm
- Thục Quyên
- Đăng lúc: Thứ năm, 19/11/2020 09:49 (GMT +7)
Để cải thiện kinh tế gia đình, một số giáo viên thời bao cấp đã tự tìm cho mình một công việc phụ ngoài nghề gõ đầu trẻ như đi buôn bán, chăn nuôi...
Thời bao cấp của các thầy cô giáo nói riêng và người dân nói chung đều luẩn quẩn với 2 từ "lam lũ". Ngày ấy, cái nghề gõ đầu trẻ vốn rất cao quý nhưng thực chất cũng rất nghèo. Lương ba cọc ba đồng, không được cấp ruộng nương, mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn 13 kí gạo. Thời ấy cũng chẳng có khái niệm dạy thêm nên giáo viên cũng chẳng có thêm đồng ra đồng vào nào từ cái nghề chính ấy.
Có lẽ vì thế, một số thầy cô đã tự tìm cho mình “nghề tay trái” khác đằng sau công việc phấn trắng, bảng đen để cải thiện phần nào kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Tâm Quang, ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong, Nghệ An, chia sẻ: "Thời đó, trong các thầy cô của tôi, có người thì đạp xe lên tận miền núi Tương Dương, Con Cuông mua nứa thồ về chẻ rồi đan thành các vật dụng như thúng, mủng, sàng, lừ đơm tôm tép để bán cho người dân trong và ngoài vùng lân cận. Người thì tranh thủ xuống chợ Vẹo bán nước mắm, dầu hỏa, ruốc hôi, hoa quả…vào những hôm trống tiết dạy, có khi là từ 3 giờ sáng."
Ông Quang chia sẻ, hầu như nghề nào các thầy cô cũng từng làm qua, miễn là nghề lương thiện. Hình ảnh cô giáo dáng nhỏ nhắn, ốm o gầy mò chở 2 can nhựa đựng nước mắm khá lớn trên chiếc xe đạp cà tàng vào lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1984 luôn in sâu vào ký ức của ông.
Đến nay, mái trường thân thương đó được xây dựng khang trang, hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng mỗi lần về thăm trường, ông Quang luôn hoài niệm về những khó khăn và tình cảm của các thầy cô thời bao cấp.
Một tác giả có tên Hưng Nhân, cũng là giáo viên từ khoảng 20 năm trước, chia sẻ, hiện tại thầy đang công tác tại thành phố công nghiệp nên đời sống có khá hơn nhờ dạy thêm. Thế nhưng, khoảng hơn 20 năm về trước thầy phải cải thiện đời sống bằng việc chăn nuôi, viết văn, viết báo. Thầy cô nào may mắn thì được làm thêm bằng trí óc, còn lại đa phần đều phải lao động chân tay vất vả, mệt nhọc. Tuy khó khăn bộn bề, nhưng điểm chung của các thầy cô là đều rất yêu thương học trò hết mực, cũng như tràn đầy tâm huyết với nghề giáo.