Nhà chống lũ là gì và những mô hình nhà chống lũ hiệu quả
- Thùy Linh
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/10/2020 18:00 (GMT +7)
Nhà chống lũ được nghiên cứu kĩ với phần móng linh hoạt hoặc gác xép để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình ứng phó thiên tai.
Nhà chống lũ là gì?
“Nhà chống lũ” là dự án thiết kế các mô hình nhà ở nhằm ứng phó với thiên tai lũ lụt, bảo vệ an toàn tính mạng và của cải cho người dân. Được khởi xướng từ năm 2013, đến nay đã có hơn 700 công trình “Nhà chống lũ” được xây dựng cho bà con ở 11 tỉnh thành trên cả nước. Suốt 7 năm qua, những ngôi nhà thuộc dự án đều phát huy tác dụng, đảm bảo tính chủ động của người dân trong quá trình ứng phó với thiên tai.
Ý tưởng hình thành “Nhà chống lũ”
Chị Phạm Thị Hương Giang (tên thường gọi là Jang Kều), người khởi xướng dự án chia sẻ: "Với hầu hết người dân họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi một nơi khác. Vậy nên tôi sẽ xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống lũ, chống bão".
“Nhà chống lũ” lấy cảm hứng từ công trình của GS.Tiến sĩ Tống Trần Tùng dành tặng người hàng xóm ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đó là ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước mênh mông suốt hơn 10 năm.
Dựa vào thiết kế mà giáo sư dành trọn niềm tin để gửi gắm, chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), người khởi xướng dự án Nhà chống lũ đã cùng nhóm kiến trúc sư độc lập đã nghiên cứu và cho ra đời 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với đa dạng kiểu lũ như: Lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông, và một số loại lũ đặc biệt…
Một số thiết kế mô hình “Nhà chống lũ”
Tính đến hết năm 2019, “Nhà chống lũ” đã hỗ trợ thành công 702 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà an toàn. Nhiều thiết kế được cải tiến, phù hợp với từng vùng miền khác nhau, bao gồm:
1. Mô hình “Nhà kê nền cao”: Thích ứng với các vùng lũ cao từ 1-2.5m tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực Trung Bộ. Với mô hình này, nền nhà sẽ được nâng lên 3m so với mặt đất. Bình thường, bgười dân có thể che liếp, làm vách tạm để sinh hoạt hoặc nuôi gia súc. Khi có lũ, mọi sinh hoạt sẽ được rút lên tầng 2.
2. Mô hình “Nhà kê nền linh hoạt”: Thích ứng với vùng đồng bằng lũ khó tiên lượng tại Hậu Giang. Ở mô hình khối nhà và móng vốn liên kết bằng bu lông nên có thể dễ dàng tách rời để nâng nhà vào mùa lũ mà không phải phá huỷ kết cấu.
3. Mô hình “Nhà hai gác” và “Nhà hai gác có trú cho gia súc”: Mô hình dành cho các khu vực lũ ống, lũ quét sườn dốc tại miền núi và trung du. Thay vì kiểu nhà một khối, một tầng, kiểu nhà hai gác sẽ bổ sung thêm một khối nhà 2 tầng bên cạnh khối nhà cũ. Tầng 2 của khối nhà mới sẽ được thiết kế cao hơn 2,85m, trong nhà cũng có cầu thang để đi lại trong mùa lũ. Với kiểu nhà có chỗ trú cho gia súc, nhà sẽ tận dụng phần chiếu nghỉ và cầu thang làm nơi tránh lũ cho gia súc.
4. Mô hình “Nhà ba gian có gác xép” và “Nhà ống có gác xép”: Phù hợp cho các khu vực hay có bão lớn kèm gió giật nhưng mức lũ dưới 2m. Với mô hình này, một gian nhà nữa sẽ được bổ sung với phần gác xép bê tông cốt thép để tránh bão. Mô hình được áp dụng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Khánh Hòa.
Nhà ống có gác xép chống lũ phù hợp cho vùng có lũ ngập từ 1.5 đến 2m hoặc cho vùng bị ảnh hưởng của bão như Quảng Nam, Quảng Bình, Sóc Trăng... Độ cao của gác xép cao tối thiểu 2.1m để tránh lũ.
5. Mô hình “Nhà phao biệt lập” và “Nhà phao gắn với nhà xây”: Phù hợp cho các khu vực Tân Hoá, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Với mô hình này, nhà được làm bằng khun thép để giảm tải, phía dưới móng nhà sẽ được trang bị hệ thống thùng phuy nhựa hoặc thép để làm phao nâng nhà. Kiểu nhà phao hợp cho những vùng lũ lớn từ 4 đến 14m.
Với nhà phao gắn với nhà xây, ở trên gác nhà xây sẽ có được gắn một ngôi nhà phao với đặc điểm có thể nổi tối đa 10m so với sàn tầng trệt. Phần nhà phao được gắn với khung nhà bằng 4 cọc thép ở 4 góc.
“Nhà chống lũ” - Dự án từ trái tim và khối óc
Người dân nghèo khổ luôn hứng chịu muôn vàn vất vả khi đối mặt thiên tai, bởi hoàn cảnh khó khăn khiến bà con thiếu đi nguồn lực để tự phục hồi. Cho nên “Nhà chống lũ” không chỉ hỗ trợ các gia đình nghèo ở vùng lũ lụt mà còn phát triển các sinh kế bền vững đảm bảo 3 yếu tố: Có lợi nhuận, có thể nuôi/trồng lâu dài và thân thiện với môi trường.
Chị Hương Giang chia sẻ: "Mục đích chính là xây dựng cho người dân sự tự tin, tự chủ và tự tôn để họ có thể tự hào sống trong ngôi nhà của mình”. Vậy nên dự án “Nhà chống lũ” sẽ thiết kế, giám sát xây dựng và hỗ trợ nhiều nhất là 50% chi phí xây nhà. Hộ gia đình phải đóng góp ít nhất 50% chi phí xây nhà, bao gồm nguyên vật liệu và công xây dựng.
Để tôn trọng gia chủ, dự án chỉ cần các ngôi nhà tuân thủ kết cấu của bản vẽ, còn lại người dân tự sẽ quyết định các yếu tố liên quan để thẩm mỹ và thói quen sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình.