Nhóm nhà thiết kế Antwerp 6+1: Những dị nhân của giới thời trang
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ sáu, 12/03/2021 14:17 (GMT +7)
Antwerp 6+1 là nhóm nhà thiết kế tới từ thành phố nhỏ Antwerp ở Bỉ. Họ được thế giới không ngớt lời ngợi ca bởi tài năng và phong cách thiết kế độc đáo.
Antwerp 6+1 là tên gọi của nhóm nhà thiết kế tốt nghiệp khoa Thời trang của Học viện Antwerp năm 1980, ’81 và ’82, bao gồm Dries Van Noten, Dirk Bikkembergs, Marina Yee, Dirk Van Saene, Walter Van Beirendonck, Ann Demeulemeester và Martin Margiela. Những nhà thiết kế này được biết tới với phong cách thiết kế ấn tượng, độc đáo trong từng chi tiết nhỏ nhất. Mặc dù họ đã phát triển sự nghiệp của riêng mình, nhưng Antwerp 6+1 vẫn mãi là dấu ấn của lịch sử thời trang thế giới.
Vậy thì bằng cách nào Antwerp 6+1 đã tạo ra và lan rộng sức ảnh hưởng của mình?
Cùng nhìn lại những thành tựu đáng nể của họ.
Dirk Bikkembergs: Người tiên phong làn sóng athleisure
Bikkembergs chính là người đi đầu của làn sóng athleisure - kết hợp thời trang thể thao với thời trang đại chúng. Những bộ trang phục của Bikkembergs luôn có khả năng thể hiện sự khoẻ khoắn của các vận động viên nhờ kỹ thuật may đo và các chất liệu cứng cáp.
Hiểu rằng bóng đá vẫn luôn là môn thể thao phổ biến và được yêu mến nhất, năm 2001, Dirk Bikkembergs đã trưng bày bộ sưu tập của mình tại sân vận động bóng đá San Siro ở nước Ý, tạo ấn tượng khác hoàn toàn với các tuần lễ thời trang.
Thương hiệu Dirk Bikkembergs có 3 dòng thời trang chính: Sport Couture dành cho các vận động viên; dòng thời trang may sẵn Bikkembergs; và dòng thời trang tầm thấp với tên Bikkembergs Sport.
Năm 2003, Dirk Bikkembergs được bổ nhiệm làm nhà thiết kế chính thức cho CLB bóng đá Inter Milan. Năm 2005, bộ sưu tập của anh được trình diễn tại sân vận động lớn nhất châu Âu - Camp Nou ở Barcelona.
Năm 2011, thương hiệu Dirk Bikkembergs đã được bán lại cho Zeis Excelsa SpA, công ty chuyên gia công giày dép tại Ý.
Ann Demeulemeester: Thời trang tối giản cùng kỹ thuật may đo đỉnh cao
Ann Demeulemeester là một trong hai nhà thiết kế nữ của nhóm Antwerp 6+1. Năm 1985, Ann Demeulemeester cùng với chồng của mình là nhiếp ảnh gia Patrick Robyn đã thành lập công ty.
Bộ sưu tập đầu tiên của cô được trình diễn trong tuần lễ thời trang Paris cho mùa Xuân Hè 1992. Qua BST này, Demeulemeester đã thể hiện tinh thần hiện đại tinh tế trong phom dáng trang phục. Các thiết kế của cô được cắt cúp đầy nghệ thuật, tạo sự mềm mại cho cơ thể người mặc.
Ann Demeulemeester đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các đường cắt trên trang phục, với mục đích để cho trang phục luôn giống như đang chuyển động ngay cả khi người mặc hoàn toàn đứng im.
Ann Demeulemeester cũng được giới thời trang biết đến như người tiên phong trong phong trào thời trang phi giới tính. Những thiết kế đó cho phép cô tạo sự tương phản giữa chất liệu xù xì và các chi tiết trang trí mỏng manh, ví dụ như lông vũ.
Tháng 11 năm 2013, Demeulemeester viết một bức thư tay, tuyên bố rời khỏi nhà mốt của mình.
Walter Van Beirendonck: Người thử nghiệm các chất liệu sáng tạo
Walter Van Beirendonck nổi tiếng với các BST đầy sắc màu, các show diễn không theo quy tắc, thị hiếu về vẻ đẹp khác lạ, và luôn đề cập đến các vấn nạn xã hội thông qua thời trang.
Những BST từ năm 1993 tới 1999 được giới chuyên môn cho rằng là những BST quan trọng nhất của Walter Van Beirendonck. Vào thời điểm đó, anh hợp tác với nhà sản xuất đồ jeans Đức Mustang để thành lập thương hiệu thời trang trẻ W.&L.T. (Wild and Lethal Trash).
Từ thập niên 1990 với thương hiệu W.&L.T., Walter Van Beirendonck đã khéo léo kết hợp công nghệ mới, chất liệu mới, cùng những khẩu hiệu về xã hội vào các thiết kế thời trang.
Beirendonck ưa thích sử dụng các chất liệu như neoprene (vốn dùng cho đồ lặn), vải phản quang (dùng trong đồ bảo hộ lao động), và chất liệu dạ quang. Anh thậm chí còn mang mùi hương vào trong trang phục, ví dụ, trang phục in họa tiết dâu tây sẽ có mùi hương dâu thật.
Khi kết thúc hợp đồng với Mustang, Walter Van Beirendonck quay trở về với các thiết kế có tính may đo, số lượng nhỏ và kinh phí thấp. Năm 2006, anh được bổ nhiệm làm giám đốc ngành học thời trang tại trường Đại học Hoàng gia Mỹ thuật ở Antwerp.
Dries Van Noten: Người mở rộng giới hạn của thời trang may đo cao cấp
Dries Van Noten bắt đầu thành lập thương hiệu cá nhân từ năm 1986. Các BST dành cho cả nam lẫn nữ của anh như đưa mọi người đến những miền giả tưởng và vị lai. Để làm được điều đó, anh sử dụng rất nhiều chi tiết thêu, đính kết, dệt dập nổi và in hoa.
Để thực hiện các hoạ tiết trademark, Dries Van Noten đã tìm đến Ấn Độ - một quốc gia có tay nghề thêu thượng thừa. Anh đã tới xưởng thêu ở Calcutta, Ấn Độ, và thiết kế phức tạp của anh đã phải cần tới gần 3000 công nhân. Dries Van Noten đã chứng minh cho mọi người thấy rằng sản phẩm thời trang cao cấp không nhất thiết phải làm tại Pháp hay Ý.
Dẫu vậy, Dries Van Noten không bao giờ tự nhận thiết kế của mình là haute couture. Các sản phẩm của anh luôn thuộc dạng thời trang may sẵn, được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng.
Năm 2018, thương hiệu Dries Van Noten được bán cho công ty thời trang và nước hoa Puig của Tây Ban Nha.
Dirk Van Saene: Bứt phá khỏi lịch diễn và nguyên tắc thời trang phổ thông
Dirk Van Saene được sinh ra trong một gia đình của các hoạ sỹ. Bởi vậy, các ý tưởng của anh không chỉ được thể hiện qua thời trang mà còn qua tranh minh họa, tranh vẽ, gốm sứ...
Dirk Van Saene tuỳ hứng giống như hoạ sỹ. Anh chỉ cho ra mắt BST mới khi mình thích, bán trang phục khi mình muốn, không bao giờ bó buộc bản thân vào lịch trình mà giới thời trang vẫn luôn tuân thủ.
Vừa là chủ thương hiệu với ekip sản xuất nhỏ, vừa là nhà thiết kế độc nhất, Dirk Van Saene không bị ép buộc bởi các nhà đầu tư khác, cũng không phải chịu áp lực về tài chính. Điều này giúp anh được thoả sức thiết kế và ra mắt sản phẩm mới tuỳ thích.
Năm 1990, Dirk Van Saene đã tổ chức show diễn thời trang đầu tay ở Paris. Thời điểm đó, sàn diễn của anh đã gây ấn tượng mạnh bởi nó phản ánh xu hướng thời trang trên đường phố Paris, hơn là một bộ sưu tập bài bản theo ý nghĩa truyền thống.
Dirk Van Saene thường kết hợp các mô típ hội hoạ vào trong thiết kế của mình, như trompe l’oeil (hiệu ứng đánh lừa thị giác), vẽ tay lên vải, hoặc in tranh vẽ của mình lên trang phục. Các chi tiết như nơ và đính kết làm nên thời trang haute couture lại được Dirk Van Saene sử dụng để... châm biếm.
Từ năm 2008, Dirk Van Saene trở thành thầy giáo, dạy thời trang cấp Thạc Sĩ tại trường Đại học Hoàng gia Mỹ thuật ở Antwerp.
Marina Yee: Tôn vinh thời trang tái chế và upcycle
Marina Yee, nhà thiết kế nữ còn lại của Antwerp 6+1, luôn cảm thấy lạc lõng trong thế giới thời trang. Năm 1981, cô tốt nghiệp và thành lập thương hiệu riêng mang tên Marie. Tuy nhiên, do không thích khía cạnh thương mại của thời trang, cô lại lập thêm một thương hiệu cá nhân nhỏ, mang tính chất may đo hơn.
Năm 1990, Marina Yee tuyên bố rút lui khỏi làng thời trang. Nhưng năm 2005, cô lại quay lại, thỉnh thoảng lại cộng tác với các nhà thiết kế Antwerp 6+1 khác. Năm 2018, Marina Yee mở một cửa hàng nhỏ tại Tokyo.
Điểm mạnh của Marina Yee là thời trang bền vững và tái chế. Cô có một xưởng may đo chuyên sản xuất các thiết kế độc nhất vô nhị từ trang phục second-hand. Mặc dù là thời trang upcycle, nhưng các sản phẩm của Marina Yee vẫn mang tính chất may đo cao cấp.
Hiện tại, Marina Yee dạy học tại trường Nghệ thuật KASK ở Ghent, Bỉ.
Martin Margiela: Người khởi xướng làn sóng thời trang tách kết cấu (deconstruction)
Martin Margiela chính là con số +1 trong cái tên Antwerp 6+1, bởi anh tốt nghiệp trễ hơn Antwerp 6 một chút. Tuy nhiên, bởi có sức ảnh hưởng không kém các bậc tiền bối nên anh được ưu ái gộp chung vào nhóm.
Năm 1988, Martin Margiela và Jenny Meirens cùng thành lập nhà mốt Maison Martin Margiela. Các thiết kế của Maison Martin Margiela luôn phóng khoáng, đậm tính chất tách kết cấu (deconstruction) trông như chưa hoàn tất. Các trang phục chuyên được làm từ vải tái chế, hoặc vải thừa, vải vụn. Các show diễn được set up ở các khuôn viên kỳ khôi.
Margiela luôn tìm cách phô bày những gì mà giới thời trang che giấu qua thiết kế của mình. Ví dụ, anh để lộ cách cắt may một sản phẩm thời trang, dẫu rằng nó có thể không phù hợp với cái đẹp tiêu chuẩn của thời trang truyền thống. Bởi vậy, sản phẩm của anh nhiều khi giống như được chắp vá, chưa hoàn tất.
Martin Margiela là người kiệm lời, ít khi xuất hiện trước truyền thông. Mãi tới năm 2018, mọi người mới biết gương mặt của Martin Margiela. Anh chỉ nhận phỏng vấn qua fax, và luôn tự nhận là “chúng tôi” thay vì “tôi” để tỏ lòng tôn trọng tới các thành viên của êkíp.
Từ năm 1997 đến 2003, Martin Margiela được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Hermès. Năm 2009, anh rời thương hiệu Maison Martin Margiela. Đến nay, Martin Margiela vẫn là một người đàn ông đầy bí ẩn của nhóm Antwerp 6+1.
Tầm ảnh hưởng của nhóm nhà thiết kế Antwerp 6+1
Antwerp 6+1 đã tạo nên hiện tượng thời trang của thập niên 80, tạo dựng danh tiếng cho Bỉ - một quốc gia vốn chưa có một bản sắc cụ thể trong ngành công nghiệp thời trang như Pháp hay Ý. Antwerp 6+1 đã giúp Học viện Nghệ thuật Antwerp thu hút được một lượng lớn học sinh tài năng trên toàn thế giới như Kris Van Assche, Raf Simons, Haider Ackermann trong nhiều năm tiếp theo.
Mặc dù mỗi người đều đi theo con đường riêng, theo cả hướng sáng tạo lẫn thương mại, thì Antwerp 6+1 vẫn sẽ mãi là mốc son khó quên trong chặng đường sự nghiệp của các nhà thiết kế.