Cuối TK 19 - đầu thế kỉ 20 chứng kiến sự hưng thịnh hơn bao hết của làng thời trang thế giới với sự ra đời của những thương hiệu quen thuộc như Chanel, Prada, Louis Vutton, Dior,... Những thương hiệu này đều đã phát triển đến ngày hôm nay và đều khẳng định vị trí không thể thay thế trên bản đồ thời trang thế giới. Trong số đó, Lanvin là thương hiệu đã tồn tại hơn 130 năm trong làng thời trang và câu chuyện phía sau người sáng lập Jeanne Lanvin đáng để chúng ta học hỏi về những nỗ lực, óc sáng tạo và khả năng điều hành, duy trì một thương hiệu tồn tại lâu đời đến như vậy
Jeanne Lanvin sinh năm 1867, trong gia đình cho 10 anh chị em. Cha bà là một nhà báo. Nhận thấy không có cơ hội nào cho một cô gái dẫu là thông minh và nhạy bén trong xã hội cuối thế kỷ XIX, Jeanne quyết định từng bước tạo dựng sự nghiệp, kiên nhẫn và chờ đợi thời cơ thích hợp thay vì xoay sở một cách kiệt sức trong thời gian dài.
Cô bé 13 tuổi bắt đầu làm việc tại một tiệm sửa quần áo để học việc. Bà dành hết khoảng thời gian niên thiếu để trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng của một nhà thiết kế trước khi có thương hiệu riêng. Vào năm 1885, Jeanne mở một cửa hàng trang phục phụ nữ nhỏ tại đường Marche Saint Honoré, khi ấy bà 18 tuổi và cửa hiệu chính là tất cả số tiền rất lâu bà mới có thể dành dụm được.
Có lẽ đối với nhiều người, đây là sự khởi đầu khiêm tốn cho những thành tựu của bà ở tương lai. Nhưng đối với thời trang, dù bạn vĩ đại thế nào thì cũng phải đi lên từ những điều nhỏ nhặt nhất (Gucci từng biết đến chỉ là một thương hiệu làm dây nịt và phụ kiện đồ da trước khi trở thành thương hiệu thời trang cao cấp như bây giờ). Không được đào tạo bài bản để trở thành nhà thiết kế, quá trình là một người giúp việc, trợ lý thợ may đã giúp Jeanne Lanvin có đầy đủ kinh nghiệm để tự tạo dựng thương hiệu riêng. Đó là sự nổ lực tự thân đáng ngưỡng mộ.
Jeanne Lanvin lựa chọn hướng đi riêng cho thương hiệu của mình để tạo sự khác biệt. So với một số NTK cùng thời đang cố gắng thu hút khách hàng bằng cá tính thời trang riêng thì Jeanne lại chọn cách lắng nghe tâm tư của khách hàng để tạo ra những trang phục phù hợp với họ.
Những chiếc áo choàng Lanvin vào những năm 20 được nhiều phụ nữ diện trên đường phố vì nó mang đến sự tự tin cho những người phụ nữ tìm kiếm sự đặc biệt, không chạy theo mốt. Lanvin không ngại thêm thắt nhiều chi tiết trang trí. Mỗi BST của bà mang đến nhiều lựa chọn và hiệu chỉnh phù hợp với từng hình thể. Cốt lõi của việc này như một sự "chiều chuộng" để giữ khách hàng ở lại lâu hơn với thương hiệu.
Jeanne Lanvin thường thiết kế trang phục cho hai mẹ con và điều này tạo nên một xu hướng mới trong lịch sử làm đẹp. Lanvin độc chiếm và thành công trong một mảng mới của thời trang: Thời trang đồ đôi dành riêng cho mẹ và con. Bà còn được mời thiết kế váy dự tiệc cho công chúa Elizabeth và Margaret trong buổi tiệc của nữ hoàng Elizabeth.
Robe de Style là phong cách thời trang được nhắc đến nhiều nhất của thương hiệu Lanvin. Những bộ váy dạ hội được thực hiện theo tiêu chuẩn cao nhất của France Couture. Với kĩ thuật thêu và đính kết cao cấp lấy cảm hứng từ Ai Cập, Rome và Hy Lạp, Jeanne Lanvin đã cho ra đời những váy mềm mại, quyến rũ và uyển chuyển tôn vinh hình thể đẹp của người phụ nữ.
Jeanne còn đầu tư vào một nhà máy nhuộm để sở hữu chính xác những màu sắc bà cần cho thiết kế của mình. Fra Angelico Blue trở thành màu sắc mang đậm dấu ấn thương hiệu khi là sắc xanh mềm mại nhưng rực rỡ. Là kết tinh từ những nghiên cứu của bà trong văn hoá Ai Cập, Rome và Hy Lạp
Là một người luôn theo kịp thời đại, năm 1922, khi La Garonne, “The Bachelor Girl” của Victor Margaritte đã được xuất bản, Jeanne Lanvin đã nhận ra rằng những chiếc mũ sẽ trở thành xu hướng. Mũ và áo choàng của bà có đặc tính mềm rủ, vừa tạo nên cảm giác bí ẩn vừa tạo nên phong thái cuốn hút, quyến rũ.
Trong suốt khoảng thời gian làm nghề, Jeanne Lanvin luôn tin vào trực giác của bản thân mình. Bà chia sẻ với Vogue vào năm 1934: “Tôi hành động theo sự thúc đẩy và niềm tin vào bản thân. Trang phục của tôi không được tính toán trước. Tôi bị cuốn theo cảm giác, và hiểu biết kỹ thuật giúp tôi mang nó ra thực tế”.
Những năm 30, những thiết kế Robe de Style dần dần bị thay thế bởi phong cách mới. Đó là điều dễ hiểu vì thời trang chính là một dòng chảy không ngừng. So với cách tiếp cận tân thời của Chanel, Jean lựa chọn đi theo xu hướng lãng mạn vốn có. Năm 1927, Jeanne ra mắt thương hiệu nước hoa Arpège và mẫu chai đựng màu đen được kiến trúc sư Armand Albert Rateau lần đầu tiên xuất hiện đem đến một sức hút đầy bí ẩn và quyến rũ.
Tóm lại, không ai có thể phủ nhận những đóng góp mà Jeanne Lanvin mang đến cho ngành công nghiệp thời trang, cả quá khứ lẫn đương đại. Đồng thời, bà cũng là tấm gương vượt khó, là nguồn cảm hứng cho những nhà thiết kế trẻ muốn tạo dựng thương hiệu riêng của mình nói riêng và tất thảy những người phụ nữ nói riêng.
Bình luận