Chổi đót, phin pha cà phê của Việt Nam cháy hàng trên Amazon
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/12/2020 11:26 (GMT +7)
Cộng đồng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã đạt hơn 100.000 đơn vị, một số mặt hàng trong số đó rất đắt khách quốc tế.
Theo Zing News đưa tin, mới đây, ông Gijae Seong - Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết hiện đã có hơn 100.000 nhà bán hàng Việt Nam đang giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế này. Trong đó, có nhiều đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Cộng đồng các nhà bán hàng Việt đã nắm bắt nhu cầu mua sắm những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như: dụng cụ nhà bếp, đồ thể thao và trang trí nhà cửa. Đồng thời, một số đơn vị cũng xuất khẩu khẩu trang y tế trên Amazon Mỹ.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ cũng là 3 nhóm sản phẩm mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa trong năm 2021.
Trước đó, các nhà bán hàng Việt Nam cũng được đánh giá đã khá thành công và liên tục phát triển doanh số với các mặt hàng thời trang, nội thất, sản phẩm handmade như thiệp 3D, hoa giấy...
Ngoài ra, các sản phẩm như chổi đót được bán với giá 12 USD/cái, nón lá hơn 17 USD/cái luôn trong tình trạng sắp hết hàng. Hay một gói cà phê G7 có giá 21USD, một cái phin cà phê giá hơn 9USD, chảo chiên bánh xèo thì lên đến 25USD/cái... Tất cả đều là những mặt hàng "Made in Vietnam" đang được bán chạy trên Amazon hiện nay và có doanh thu cao.
Đặc biệt là chiếc giỏ mây "made in Vietam" đã lọt vào tốp 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau 7 ngày đưa lên. Tên của giỏ này trở thành tốp 3 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất nhờ biết tối ưu hoá đúng cách.
Đáng chú ý các sản phẩm Việt Nam được người mua quốc tế đánh giá cao. Theo thống kê của Amazon cho thấy phin pha cà phê, hay chổi đót... đều được người mua chấm 4,5 đến 5 sao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) lại đánh giá cao sự tăng trưởng của các sản phẩm truyền thống Việt Nam, như nước mắm, dừa Bến Tre... Bởi đây đều là những sản phẩm địa phương rất đặc biệt, trước nay chỉ lưu thông trên địa bàn nhỏ lẻ, do đó không ngại cạnh tranh khi bán trên sàn TMĐT quốc tế.
"Suốt thời gian dài, VECOM kết hợp với các sàn TMĐT tổ chức đào tạo cho nhiều nhà bán hàng, nhưng họ còn cân nhắc chi phí, nhân lực... Nhưng Covid-19 đã cho thấy những doanh nghiệp nào chưa sẵn sàng đành phải ngậm ngùi nhìn đối thủ bỏ xa. Do đó, sắp tới doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia và tham gia ngay, đặc biệt là môi trường TMĐT quốc tế.
Dù mở gian hàng trên Amazon mà chưa có đơn hàng, thì thị trường trong nước cũng sẽ tăng trưởng, vì bản thân doanh nghiệp đã đổi mới nhiều về sản xuất và vận hành để đáp ứng yêu cầu của sàn TMĐT quốc tế", ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định.
Cũng chính vì nắm bắt được nhu cầu này, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định trong năm 2021 sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác thanh toán, vận chuyển... tại Việt Nam.
Đồng thời, mới đây, doanh nghiệp cũng đã ra mắt Trung tâm thông tin bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt và thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội, nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam.