Những ngày không mơ mộng của Nguyễn Công Hoài: Cuộc tự vấn lãng mạn
- Hoàng Hồng
- Đăng lúc: Thứ sáu, 07/05/2021 17:10 (GMT +7)
Những ngày không mơ mộng là triển lãm cá nhân thứ 4 của họa sĩ Nguyễn Công Hoài sau Những người xung quanh tôi (2015), Mặt (2016) và Ngột ngộp (2018).
Khác với những triển lãm trước đây, màn trình diễn lần này của Hoài là một cuộc độc thoại dài.
Triển lãm Những ngày không mơ mộng diễn ra tại 29 Hàng Bài vào đúng thời điểm Hà Nội đang “nín thở” vì Covid-19. Không có khai mạc, không có nghi thức chúc tụng. Bạn bè đồng nghiệp và truyền thông đến xem rải rác để tránh tập trung đông người. Nhưng ngay trong sáng 7/5, 6 bức tranh đã được dán dấu đỏ bởi nhà sưu tập, cộng thêm 5 bức được bán trước giờ khai mạc là 11 bức, trong tổng số 37 tác phẩm được trưng bày.
Nhìn thoáng qua, Những ngày không mơ mộng của Nguyễn Công Hoài vẻ như không có gì mới lạ. Vẫn là những bức chân dung cỡ lớn cận cảnh và đặt nhân vật vào chiều kích chật chội của không - thời gian để ép những cảm xúc bật ra. Nhưng thực ra thì khác. Toàn bộ 37 bức tranh được Hoài vẽ trong 3 năm (từ 2018 đến nay) mang tâm thức khác hẳn. Không chỉ hoàn thiện hơn về bút pháp mà còn trưởng thành hơn về trải nghiệm, bước lên một bậc thang mới của sự công phu trong nghề vẽ, thứ mà Hoài đã theo đuổi và tự học trong 20 năm qua.
37 bức tranh chân dung mà không phải chân dung. Không phải chân dung tự họa nhưng lại là vẽ chính mình. Hoài vẽ chân dung nhưng không khắc họa, mô tả thể xác. Thể xác trong tranh chân dung Hoài chỉ là cái chất liệu để thể hiện nội tâm. Ngay cả bộ ba bức tranh vẽ vợ con theo lối tả thực cũng là một bức chân dung nội tâm của Hoài: Vẽ cái tôi “thực tại” - ở đây và ngay lúc này - một khoảnh khắc dài của sự phẳng lặng, cân bằng, vững chãi giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, của trách nhiệm và mưu cầu tương lai. Và đôi khi, thấy hiện lên trên những bức ấy, có cả sự tròn đầy hiếm hoi trong muôn vàn sắc thái tâm trạng phức tạp, hỗn độn, mâu thuẫn của những-ngày-không-mơ-mộng. Như những gì Hoài từng vẽ và đang vẽ, gam màu tươi tắn nhất trong tranh Hoài luôn là hình ảnh của vợ con.
Số còn lại là những gam xám của cuộc tự vấn dài. “Tôi vẽ xoay quanh chính mình, lôi hút tôi vào những vùng của những khát khao mãnh liệt, nơi tôi có thể đối diện với những bóng ma của chính mình: cô độc, căng tràn kiêu ngạo, buồn đau, tuyệt vọng, mục rữa, dục vọng và cả những tia lửa hân hoan và khoái lạc”. Có lúc đó là sự đóng băng của minh triết để dòng dung nham hoan lạc chiếm lĩnh trong Em và đêm, có lúc đó là những quằn quại tìm kiếm bản thể trong Người đi nhặt bóng mình, có lúc đó là sự trống rỗng tươm nát ruộng mục của cả hình hài lẫn linh hồn, có lúc chỉ là những phút câm lặng của tâm trí - sự chạy trốn của ý thức, nỗi ơ hờ, bệ rạc đến cả tồn tại cũng lười. Những thân hình bê trễ, co quắp, những cảm xúc chết lâm sàng, sự vắng mặt của buồn vui, không thương không nhớ không giận không ghét không cả đau khổ nhưng lại không phải là giải thoát. U u mê mê, trơ trọi và cô độc, héo đi và rữa ra.
Mỗi hình hài trong các bức chân dung của Hoài là một lớp nhân cách được phân liệt. Gam màu xám và đơn sắc chiếm lĩnh. Những nhát bay mạnh mẽ che khuất, phủ nhận, trốn núp ánh sáng. Những vệt sơn trầy trụa loang. Những hình khối cơ thể người được xoay đủ chiều như rubic để phơi ra ở những góc hẹp nhất, chật nhất, lộ liễu nhất, lén lút nhất, thô lỗ nhất. Hoài đặt từng lớp nhân cách ấy trong bóng tối để tự vấn, tự soi rọi. Ánh sáng của mặt trời không thể soi rọi được. Vì ánh sáng dễ tô hồng, dễ lòe mị, dễ bịp chính mình. Dưới ánh sáng, nhiều thứ đẹp hơn thực tế. Chỉ trong bóng tối, người ta mới thực thà nhất với mình, cảm nhận mọi thứ không bằng mắt nữa mà bằng ruột gan. Bởi thế, những gương mặt dù giấu đi vẫn lồ lộ tâm can bên trong.
Hoài cũng thích đặt những nhân cách ấy lên ghế. Và thường là ghế nhựa màu đỏ, loại ghế vẫn thường thấy ở những quán nước quán ăn bình dân khắp Việt Nam. Chiếc ghế của Hoài vào tranh chắc là vô tình thôi. Kiểu nó ở đấy thì vẽ. Nhưng sự có mặt của chiếc ghế bỗng dưng trở thành một điểm tựa duy nhất cho những hình hài bấu víu vào trong không gian vô định và thời gian mịt mùng. Vì thế mà sự cô độc chơ vơ dâng lên tột đỉnh.
Song, chính vào lúc người ta có thể nói ra những tăm tối bên trong mình, ấy là lúc tăm tối được soi rọi. Những cuộc vẽ ngày đêm trở thành cuộc chia sẻ, an ủi và xoa dịu mình trong những ngày không mơ mộng. Toan, cọ, màu, hình khối trở thành cứu rỗi.
Người ta hay hỏi: Làm nghệ thuật để làm gì? Với với những họa sĩ như Hoài sẽ là câu hỏi: Vẽ để làm gì? Tiền bạc hay sự nổi tiếng? Nói vẽ mà không vì tiền hay vì danh thì chắc chẳng ai tin đâu. Hoài cũng không phải gã mộng mơ. Nhưng xem tranh thì biết, lúc Hoài vẽ, vẽ chỉ đơn giản là vẽ thôi. Vẽ vì mưu cầu được trải lòng ra mà gẩy gót, vày vò, trở lật, để đau đớn tận cùng, hoang nát tận cùng, rồ dại tận cùng, đổi lấy một cái nhẹ bẫng sau khi dừng cọ.
Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984, trong một gia đình lao động Công giáo. Trong phần giới thiệu của họa sĩ Lương Lưu Biên, nhà Hoài có nhiều người mắc bệnh tâm thần. Tuổi thơ tăm tối với người mẹ cơ cực và người cha say sưa điên loạn, thường xuyên đánh đập, rượt đuổi con cái cùng những màn hành hạ thân xác khó tưởng tượng. Có lẽ bởi vậy mà mỹ cảm trong tranh Hoài rất khác biệt, trồi lên dưới lớp màu tăm tối rã rời là khát vọng mãnh liệt về hạnh phúc và không ngừng “tự quang phổ chiếu” - tự thắp đuốc lên để đi thay vì cầu viện ánh sáng của mặt trời ở thế giới no say mê muội ngoài kia.