Những nỗi ám ảnh khó nói nên lời vào dịp Tết của chị em phụ nữ

Tết đến xuân về là ngày vui, ngày lễ lớn nhất trong năm, thế nhưng đối với chị em phụ nữ thì không phải Tết lúc nào cũng "dễ thở" bởi trăm việc không tên.

Hashtag: Tết Nguyên đán Tết Nhâm Dần

Tết Nguyên đán là niềm mong đợi hàng năm của tất cả mọi người trong mỗi gia đình. Nhưng Tết cũng là nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ ở khắp mọi miền. Thậm chí có người "sợ Tết" bởi những áp lực và mệt mỏi của những điều không phải ai cũng thấu hiểu.

Chuyện mua sắm, chi tiêu ngày Tết

Mua bán, chi tiêu sao cho hợp lý là vấn đề đau đầu của các bà nội trợ.

Đa phần trong các gia đình thì "tay hòm chìa khóa" là  người phụ nữ, chính vì vậy gánh nặng của việc phân phối tài chính sao cho hợp lý với điều kiện gia đình luôn là bài toán đau đầu. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện "mua sắm thả ga". Dịp Tết lại là thời điểm hàng ngàn vạn thứ cần sắm sửa, chi tiêu trong khi giá cả thường sẽ tăng cao, không ít chị em đau đầu, nhức óc với kế hoạch bao khoản phải chi tiêu, mua bán. Nào là quần áo mới cho gia đình, mua sắm trang hoàng nhà cửa, tiền mua thức ăn, tiền lì xì, biếu cha mẹ hai bên, tiền quà cho các mối quan hệ làm ăn, công việc, tiền tàu xe đi lại... Có người làm tích cóp cả năm để tiêu Tết, sau Tết là phải bắt đầu lại từ đầu.

Dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, tưởng không mệt mà mệt không tưởng

Cười ra nước mắt với khối lượng cần dọn dẹp đón Tết.

Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ dường như là việc làm thường xuyên hàng ngày của các bà nội trợ. Nhưng ngày Tết với quan niệm là phải sạch sẽ, để đón tài lộc, rồi khách khứa đến chơi nên mức dọn dẹp được nâng lên tầm cao nhất, từ góc nhỏ đến góc lớn, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều phải đụng tay đụng chân. Nhà có điều kiện thì bỏ tiền thuê dọn cũng đỡ phần nào, còn ai tự tay làm từ a đến z thì tránh sao mệt nhọc dâng tràn.

Chuyện trang trí nhà cửa đón Tết tưởng vậy cũng lắm nhiêu khê, nhà nào đơn giản thì bày biện nhẹ nhàng cành đào chậu quất bé xinh. Nhưng không ít nhà hoa nọ cây kia bề thế, người nhà thì khó tính, riêng chỉ nghĩ việc để đâu, chăm thế nào cũng đủ đau đầu.

Cỗ bàn ngày Tết - nỗi ám ảnh thực sự của các bà nội trợ

Nấu đồ ăn dịp Tết để tiếp đón họ hàng, bạn bè là một niềm vui "tốn sức" không ít.

Ngày Tết có hàng loạt ngày lễ phải làm cỗ bàn cúng bái. Sau Rằm tháng Chạp là lễ cúng ông Công ông Táo,  rồi đến cơm tất niên chiều 30, vừa dọn dẹp xong lại đến mâm cơm cúng giao thừa, vài tiếng sau đó là cơm cúng sáng mồng Một. Nhiều địa phương còn giữ tục lệ ăn bữa nào cúng bữa đó cho đến lúc hoá vàng, thành ra mỗi ngày 3 mâm cơm cúng. Rồi chưa kể cơm đãi khách khứa họ hàng, rồi ăn hóa vàng...

Dịp đầu năm là ngày sum họp các bên gia đình nội ngoại, rồi bạn bè thân thiết gần xa, thế nên việc nấu nướng cỗ bàn bày ra rồi lại dọn dẹp như một vòng lặp không hồi kết. Có không ít chị em chỉ quanh quẩn bếp núc, nấu nướng, dọn dẹp, rửa chén... mà ngẩng mặt lên thấy mấy ngày Tết trôi qua cái vèo. 

Tình trạng "cắm mặt" vào cỗ bàn và rửa dọn ở thành phố đã mệt, ở nhiều vùng nông thôn thực sự còn là "ký ức kinh hoàng" của cánh phụ nữ bởi quy mô "ăn nhậu" lớn hơn nhiều, tần suất dày đặc và khối lượng dọn dẹp cũng tăng hơn mấy phần.

Dọn dẹp sau một trận cỗ bàn linh đình thực sự là nỗi ám ảnh "kinh hoàng".

Chẳng biết từ khi nào, Tết đã trở thành nỗi sợ, thậm chí là nỗi ám ảnh đối với nhiều chị em phụ nữ, không ít gia đình mất hòa khí, vui vẻ trong ngày Tết bởi những mẫu thuẫn vụn vặt và tâm lý mỏi mệt bởi hai từ “trách nhiệm” với những thứ tưởng như không bao giờ được thay đổi, bắt buộc phải làm trong dịp Tết.

Tết năm nào cũng có, nhưng nếu năm nào cũng bị trói buộc bởi những ám ảnh không tên như thế thì người phụ nữ nào còn thấy vui vẻ, hào hứng với Tết nữa. Tết là phải vui, vậy thì chị em thay vì phải tất bật tổ chức, chuẩn bị Tết, thì nên đơn giản lược bớt. Cái nào bỏ được cứ mạnh dạn bỏ, cái nào đơn giản được cứ đơn giản để dành thời gian vui vẻ, nghỉ ngơi bên gia đình. 

Bài liên quan

News feed