Sau kêu gọi tẩy chay, cộng đồng mạng lại rủ nhau bày tỏ quan điểm ngay trên fanpage H&M
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ bảy, 03/04/2021 21:53 (GMT +7)
H&M là thương hiệu thời trang quốc tế đầu tiên vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ đến vậy tại Việt Nam.
Có thể nói, động thái của H&M cố gắng "vuốt đuôi" thị trường Trung Quốc bằng hành động đăng tải đường lưỡi bò lên trang chủ tối 2/4 là một nước đi "có phần chủ quan". Dường như bộ sậu phụ trách thị trường Châu Á đã quá nóng vội lấy lòng người Trung mà không tính đến sức phản kháng và tinh thần "đồng lòng" của cư dân mạng Việt Nam.
Ngay sau khi H&M đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp, gần như ngay lập tức cộng đồng mạng Việt Nam, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng đã có phản ứng đanh thép với các bài đăng kêu gọi tẩy chay thương hiệu này. Chưa hết, các hội nhóm có số lượng thành viên đông đảo, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn và đông fan cùng kêu gọi nhau đưa ra lời đáp trả mạnh mẽ trước việc làm sai trái của thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển.
Theo đó, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự thất vọng và phẫn nộ của mình ngay trên fanpage H&M. Khi truy cập vào trang fanpage có tới hơn 39 triệu người theo dõi của H&M hiện tại, dễ dàng nhận thấy tất cả các post và ảnh sản phẩm của H&M trên đây đều bị phủ kín bởi sắc thái tức giận đến từ icon "phẫn nộ".
Lượng thả "phẫn nộ" tăng đột biến trong vòng 24h kể từ ngày 2/4, cùng với đó là hàng loạt các comment đi kèm hình ảnh xóa bỏ đường lưỡi bò được netizen Việt đăng tải. Nếu vào phần bình luận của tất cả các post gần nhất trên fanpage H&M thì chỉ còn thấy những comment trên mà thôi.
Với việc đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, H&M là thương hiệu đầu tiên vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ đến vậy tại Việt Nam. Dù vậy, cơn thịnh nộ của netizen hoàn toàn có thể lý giải được, bởi đăng hình ảnh đường lưỡi bò đồng nghĩa với việc H&M đồng ý rằng, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là của Trung Quốc.
Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn”... đều những cách gọi khác nhau để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 80% diện tích mặt nước của biển Đông. Đường lưỡi bò này hiện có 9 đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield.
Trong phán quyết năm 2016, Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ đường lưỡi bò này. Bất chấp phán quyết này, Trung Quốc vẫn tìm nhiều cách tuyên truyền đường lưỡi bò phi pháp với nhiều hình thức như qua phim ảnh, quảng cáo.
Về hình ảnh bản đồ Trung Quốc có vẽ “đường 9 đoạn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng nêu rõ: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982. Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông”.