Sau khi tiếp xúc nguồn lây, triệu chứng Covid-19 xuất hiện khi nào?
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Thứ sáu, 04/06/2021 16:06 (GMT +7)
Hầu hết, sau khi tiếp xúc nguồn lây, những ngày đầu bệnh nhân Covid-19 thường không có triệu chứng.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở nước ta vô cùng phức tạp, việc nhiễm biến chủng mới khiến những triệu chứng cũng như thời gian phát hiện bệnh ngày càng khó đoán hơn. Nhiều người rất thắc mắc liệu sau khi tiếp xúc nguồn lây thì khi nào sẽ xuất hiện triệu chứng?
Liên quan đến vấn đề đang được nhiều người quan tâm trên, VNExpress đã dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết sau khi tiếp xúc nguồn lây, những ngày đầu bệnh nhân Covid-19 thường không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu thấy rõ ở khoảng ngày thứ 5 đến ngày thứ 12 sau khi tiếp xúc với Covid-19, rồi giảm dần. Đặc biệt, từ khoảng ngày 15 đến ngày 21 sau tiếp xúc thì lại rất ít có triệu chứng.
Bác sĩ Hà cũng đưa ra các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ từ 38,1 độ C đến 39°C. Ở hầu hết bệnh nhân, bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và các triệu chứng sẽ khỏi trong khoảng một tuần. Nếu các triệu chứng càng kéo dài, nguy cơ tiến triển bệnh nặng càng cao hơn, lúc này đòi hỏi bệnh nhân phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn.
Điều đáng lo ngại chính là tiến triển bệnh Covid-19 thường khó dự đoán được, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền đi kèm. Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ hoàn toàn không có triệu chứng đến nhanh chóng chuyển nặng.
Theo những nghiên cứu sơ bộ trên thế giới hiện nay cho thấy tỷ lệ Covid-19 không triệu chứng chiếm khoảng 20-40% trong tổng số người nhiễm bệnh. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác thì cho rằng một nửa số người nhiễm là người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Thuật ngữ y học gọi đây là người lành mang trùng đối với bệnh tả và người mang ký sinh trùng lạnh đối với bệnh sốt rét...
Trên thực tế, giới chức y tế vẫn chưa hiểu rõ về mức độ lây nhiễm của người mắc bệnh nếu họ không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Đợt dịch Covid-19 hồi tháng 2 tại Việt Nam, phân tích 240 bệnh nhân Covid-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng.
Trong đợt dịch lần này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh thống kê cho thấy 80% bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ song cần theo dõi sát. Hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 96 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong đó, hơn 2.600 trường hợp điều trị tại Bắc Giang. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị hơn 300 ca với một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.
Điển hình như tại ổ dịch Bắc Giang, các ca nhẹ, không có triệu chứng được chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19, theo dõi sức khỏe và sẽ điều chuyển đến bệnh viện điều trị nếu xuất hiện triệu chứng.
Các chuyên gia thuộc Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 cho biết, người nhiễm Covid mà không có triệu chứng gây khó khăn rất nhiều cho việc sàng lọc. Điều quan trọng nhất là cần thực hiện tốt kiếm soát nhiễm khuẩn và nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, công tác điều trị cũng đòi hỏi phải đặt ra bài toán ứng phó, đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.
Bác sĩ Hà cũng thôn tin thêm không chỉ riêng Covid-19 mà ở mọi loại bệnh, đều có người biểu hiện nặng, nhẹ; người không có biểu hiện, hoặc người phát bệnh sớm, người phát bệnh muộn hơn.
Riêng với Covid-19, lực lượng chức năng phải truy vết, xét nghiệm để tìm ra những người nhiễm virus không có triệu chứng. Bệnh nhân sau khi phát hiện dương tính Covid-19 cần phải theo dõi suốt trong quá trình. Bác sĩ Hà cho rằng việc rà soát, truy vết các nhóm nguy cơ trong cộng đồng và làm xét nghiệm sàng lọc là rất quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19.