Tắc đường trên đỉnh Everest: Nỗi ám ảnh của các phượt thủ
- Hồng Ngọc
- Đăng lúc: Thứ tư, 25/11/2020 17:09 (GMT +7)
Từng dòng người chen chúc nhau, nhích từng chút một để lên đỉnh Everest. Khung cảnh này mang lại một nỗi ám ảnh cho các phượt thủ.
Đỉnh núi Everest là một trong những ngọn núi được nhiều phượt thủ lựa chọn để chinh phục, ngắm cảnh và chụp ảnh. Trong một năm có hai khoảng thời gian thích hợp để leo núi là cuối tháng 5 và tháng 10. Thời điểm này là trước khi mùa mưa và bão tuyết mùa đông đến.
Do nhiều phượt thủ trên khắp thế giới đổ về nơi này tập trung vào cùng thời điểm nên việc tắc đường trên đỉnh núi Everest đã xảy ra. Câu chuyện tưởng như vô lý và khó tin đã lặp lại nhiều lần trong những năm qua.
Trong những bức ảnh ghi lại được, từng dòng người ai nấy đều mặc những chiếc áo phao dày cộp, nhích từng chút lên nóc nhà thế giới với xung quanh là tuyết trắng.
Một người bác sĩ 62 tuổi đến từ Arizona (Mỹ) cả đời mong ước chạm tay lên đỉnh Everest. Người đàn ông này từng leo nhiều ngọn núi cao trên thế giới và quyết định chi một số tiền lớn để thực hiện ước mơ để đời. Nhưng giấc mơ chưa kịp thành hiện thực, ông đã sốc hoàn toàn trước những gì mình chứng kiến.
Để lên được tới đỉnh, vị bác sĩ này phải đợi hàng giờ đồng hồ trên một rìa núi phủ kín băng tuyết cao hàng nghìn mét. Mọi người chỉ có thể bám nhau nhích từng chút một, thậm chí ông còn phải đi vòng qua thi thể một người tử nạn trên đường leo núi.
Mùa leo núi này cũng được gọi là mùa chết chóc trên Everest khi đã có rất nhiều người phải bỏ mạng ở đây. Năm 2015, đã có 11 người chết do một trận tuyết lở bất ngờ ập tới. Tuy nhiên, con số thương vong ngày càng vượt quá tầm kiểm soát vì lượng người leo núi mỗi năm một tăng. Điều này khiến tình trạng tắc nghẽn càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo những nhà leo núi kỳ cựu, nguyên nhân dẫn đến cái chết trên đỉnh Everest là do nhiều người chưa có kinh nghiệm leo núi. Ngày càng nhiều đại lý nữ hành bỏ qua quy tắc, bất chấp nhận khách đi tour Everest dù họ không có kỹ năng. Nhiều nạn nhân thậm chí còn không biết mình phải mang theo các dụng cụ leo núi.
Nhiều người phải bỏ mạng khi chỉ cách đỉnh núi khoảng 300m, họ không thể lên hay xuống núi đủ nhanh để nạp bình oxy. Để leo lên đến nơi cao nhất, người leo núi cần phải mang đầy đủ các thiết bị gồm những bình oxy nén đủ khí cho quãng thời gian lên và xuống núi. Mặc ấm cho cơ thể, đặc biệt quần áo phải có màu sắc sặc sỡ để khi gặp tai nạn sẽ giúp cho đội cứu trợ thuận lợi tìm kiếm.
Đỉnh Everest cao 8848m, là đỉnh núi cao nhất trên thế giới so với mực nước biển, được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Đây là một trong những địa điểm thu hút nhiều nhà thám hiểm leo núi nhất thế giới.