Tất tật những điều ẩn sau sao Michelin – vinh quang của người làm ẩm thực

Những người có ít nhiều niềm ham mê ẩm thực hẳn đã quen thuộc với sao Michelin. Nhưng, sao Michelin là gì? Nhà hàng thế nào sẽ được trao sao Michelin

Hashtag: Ẩm thực thế giới Văn hóa ẩm thực

Đầu tiên, sao Michelin là gì? 

Về cơ bản, ngôi sao Michelin là thuật ngữ chỉ thang đánh giá cũng là hệ thống giải thưởng của Michelin Guide – bộ cẩm nang được sản xuất thường niên, tổng hợp các khách sạn, nhà hàng nhận được giải thưởng của họ sau quy trình thẩm định vô cùng ngặt nghèo, được tiến hành vô cùng bí mật và khách quan.

Sao Michelin là niềm vinh dự mà hầu như nhà hàng và đầu bếp nào cũng muốn nhận.

Nguồn gốc, ý nghĩa của ngôi sao Michelin trong giới ẩm thực

Những cuốn Michelin Guide đầu tiên với hàng loạt địa chỉ ăn uống, du lịch đã được xuất bản từ những năm 1900 bởi công ty lốp xe Michelin (Pháp) với mục đích ban đầu nhằm marketing cho hãng. Nhưng phải đến năm 1926, khi đã trở thành một phần quen thuộc của cánh lái xe, sao Michelin mới bắt đầu được trao cho các cơ sở ăn uống cao cấp. Đến năm 1936, tiêu chí đánh giá thứ hạng mới được công bố. Từ đây, các nhà hàng, cơ sở ăn uống dần bước vào cuộc đua vô cùng khốc liệt để được gắn lên bảng hiệu của mình ngôi sao danh giá này.

Khác với diện mạo như một quyển chỉ dẫn ẩm thực uy tín như hiện nay, những ấn bản đầu tiên có mục đích đơn giản là khuyến khích nhiều người đi xe ôtô hơn.

Ngôi sao sáu cánh nhỏ bé đó đã trở thành ước mơ cháy bỏng và niềm tự hào của không ít nhà hàng và đầu bếp trên thế giới. Một khi được ánh sáng của nó chiếu rọi, dù chỉ một sao thôi cũng khiến nhà hàng đó tỏa ra sức hút mãnh liệt tới những con tim yêu thích ẩm thực.

Sao Michelin như một bảo chứng cho quán ăn vì thì thực khách từ khắp mọi nơi sẽ sẵn sàng chực chờ để được thưởng thức những món ăn của những nhà hàng được gắn sao. Kể cả đôi khi phải mất cả năm trời.

Ngôi sao Michelin không dành cho cá nhân người bếp trưởng mà là cho cả tập thể.

Hấp dẫn là thế nhưng ngôi sao nhỏ bé này cũng có sức nặng riêng. Michelin đòi hỏi những người đầu bếp và cả tập thể phải cố gắng hết sức để phấn đấu đạt được đến mức độ sao cao nhất, đồng thời, liên tục duy trì phong độ để níu giữ nó bởi không phải đã đạt Michelin là nó mãi mãi thuộc về nhà hàng.

Các cuộc đánh giá thường diễn ra mỗi 18 tháng một lần, chỉ một giây lơ là cũng có thể khiến ngôi sao họ vất vả mới đạt được, vuột khỏi tay họ trong chớp mắt.

Cấp độ, tiêu chuẩn nhận sao và những người đứng sau, phụ trách đánh giá

Các cấp độ sao Michelin nói lên điều gì?

Không giống thang cấp độ khách sạn chia đến 5 sao, ngôi sao Michelin chia thành các thứ bậc 0 sao, 1 sao, 2 sao, 3 sao trong đó 3 sao được xem là đỉnh cao ẩm thực đáng mơ ước.

  • 1 sao Michelin: “Một nhà hàng rất tốt so với mặt bằng chung”
  • 2 sao Michelin: “Đồ ăn xuất sắc, xứng đáng là điểm đến ngoài dự tính ”
  • 3 sao Michelin: “Phong cách ẩm thực đặc biệt, xứng đáng thu xếp một chuyến để tìm tới”
Ba cấp độ chính của thang đánh giá sao Michelin.

Sao Michelin được đánh giá theo tiêu chí nào?

Những tiêu chí đánh giá sao dựa trên sự phối hợp đồng bộ của các yếu tố chính bao gồm: chất lượng nguyên liệu, kỹ năng bậc thầy trong nấu nướng, kết hợp hương vị và thẩm mỹ trình bày, cá tính món ăn. Bên cạnh đó, giá trị món ăn so với giá thành và tính nhất quán giữa các lần thưởng thức cũng là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá các nhà hàng của Michelin. 

Các món ăn phải thể hiện đầy đủ sắc, hương, vị và sự độc đáo riêng có.

Ai là người phụ trách đánh giá sao Michelin? 

Tất nhiên việc đánh giá sao Michelin có người phụ trách. Nhưng việc thẩm định đánh giá đều diễn ra trong thời gian rất dài, qua nhiều lần xét duyệt và quan trọng hơn là tuyệt mật. Những người tiến hành thẩm định phải giữ bí mật danh tính với bất kỳ ai kể cả người thân của họ.

Nhưng người thẩm định sao Michelin là ác chuyên gia thường được chọn từ những người có kinh nghiệm làm việc trong ngành nhà hàng, khách sạn với khẩu vị và kỹ năng nếm vượt trội. Sau quá trình đào tạo khắt khe cùng những nhà thẩm định gạo cội, họ mới tự mình bắt đầu các chuyến hành trình dài và bí mật. Nếu có nghi vẫn lộ danh tính, họ sẽ hủy đặt bàn và không được phép thẩm định khu vực đó trong vòng 10 năm. 

Quá trình đánh giá được giữ bí mật tuyệt đối, chuyên gia thẩm định không được phép sơ sẩy làm lộ danh tính dù chỉ là một chi tiết nhỏ.

Một số điều thú vị khác xung quanh ngôi sao Michelin

Không phải nhà hàng/ đầu bếp nào cũng hào hứng với Michelin

Trải qua bề dày lịch sử hơn cả trăm năm, có sức ảnh hưởng rõ rệt trên khắp thế giới, là niềm mong ước của vô số người làm trong ngành ẩm thực. Tuy nhiên, không ít những nhà hàng từ chối giải thưởng danh giá này vì bản thân bếp trưởng không hài lòng với món ăn được đánh giá cao hoặc do những bất tiện mà nó mang lại trong quá trình vận hành kinh doanh của họ.

Quá nổi tiếng đôi khi cũng là khó khăn gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh - Ảnh: Floc’h -

Không phải cứ nhà hàng sang xịn mới được trao Michelin

Hoặc như việc Michelin Guide gắn sao cho cửa hàng sushi nằm ngay tại ga tàu điện ngầm Tokyo, một nhà hàng khác tại Đan Mạch chỉ có 12 chỗ ngồi với đồ nội thất không sơn phết, thậm chí là tiệm ăn nhỏ tên Raan Jay Fai trên đường phố Thái Lan,… Những cơ sở ăn uống rất khác với đại đa số các nhà hàng cao cấp, sang trọng sở hữu ngôi sao Michelin. Điều này chứng minh tiêu chuẩn đánh giá của Michelin đã dần vươn đến những khía cạnh độc đáo, thú vị của nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới.

Quán ăn đường phố đạt sao Michelin tại Thái Lan của người đầu bếp 70 tuổi Jai Fay.

 

Bài liên quan

News feed