Thơm mềm như bánh ống lá dứa màu xanh ngọc dân dã mà dễ nghiền của miền Tây
- Hồng Khánh
- Đăng lúc: Thứ tư, 13/01/2021 18:25 (GMT +7)
Bánh ống lá dứa dễ dàng làm "say lòng" những thực khách phương xa chỉ từ cái nhìn đầu tiên bởi màu sắc xanh hút mắt, mùi vị thơm ngon của ẩm thực miền Tây.
Món bánh tuổi thơ gói trọn hương vị quê nhà
Đối với người còn miền Tây mà nói, dù có đi xa đến đâu thì hương vị món ăn quê nhà bao giờ cũng thơm ngon và gây thương nhớ nhất. Tuy chỉ là những món ăn vô cùng mộc mạc, không hề cầu kỳ, chỉ là những nguyên liệu "cây nhà lá vườn" thôi nhưng lại có sức to lớn. Điển hình như món bánh lá dứa gắn liền với tuổi thơ của biết bao ngườn con miền Tây xa quê này.
Bánh ống lá dứa có hình dánh như món bánh ống gạo truyền thống ngày xưa, nhưng thêm phần ngon ngọt, hòa cùng chút béo ngậy hơn. Món bánh này dần trở thành thứ quà vặt đầy ắp kỷ niệm với nhiều người, đặc biệt là những cô cậu học sinh, cứ tan trường là chạy ùa ra trước cổng tranh nhau mua 3-4 cái bánh ăn mới đã thèm.
Ngoài các trường học, món bánh quê này còn được bán nhiều ở các khu chợ, khu dân cư đông người,… Vì thế, hầu như người dân ở miền Tây nào cũng mê mẩn bánh ống lá dứa. Ngay cả những du khách phương xa có dịp ăn thử món bánh này cũng yêu thích không thôi.
Bánh ống lá dứa khác gì với món bánh ống xưa?
Món bánh có màu xanh hút mắt này tuy không phải hàng mỹ vị nhưng lại mang đậm hương vị đặc trưng của ẩm thực miền Tây. Có đâu xa chỉ là từ những nguyên liệu quê nhà như: bột gạo, nước cốt dừa, lá dứa,... hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường, vậy mà lại tạo nên nét riêng mà ít món ăn nào có được.
Tuy nhiên để làm ra những chiếc bánh ống thơm ngọt thì phải trải qua những công đoạn chế biến khá là cầu kì. Người nấu phải là người có kinh nghiệm, tỉ mẩn thì mới chọn ra được hạt gạo ngon để xay bột làm bánh. Muốn bánh có độ xốp và hương thơm đặc trưng, thì gạo xay bột phải là loại gạo thơm dẻo, thượng hạng nhất của người Nam Bộ.
Nhìn chiếc bánh màu xanh lục nhạt trông có vẻ nhỏ bé vậy thôi nhưng lại rất cần nhiều nguyên liệu khác thì mới cho ra được thành phẩm như bột nếp, bột khoai, cốt dừa, đường cát trắng, đậu phộng, mè rang và dừa khô. Với dừa khô, những người thợ kinh nghiệm nhất sẽ chọn loại dừa vừa già để giữ được vị béo ngọt đặc trưng khi ăn bánh.
Với những thợ làm bánh lâu năm, họ không cần công thức mà chỉ "áng chừng" theo cảm tính thôi nhưng vẫn cho ra những khuôn bánh thơm ngon, mềm dẻo đến bất ngờ. Để chiếc bánh ống có hình trụ tròn chuẩn đặc sản miền Tây, người thợ thường dùng nồi hơi để hấp bánh. Ngày xưa, người ta thường dùng nồi hơi có khuôn bằng ống tre hình trụ để hấp bánh. Bỏ tất cả hỗn hợp nguyên liệu vừa đã xay vào bên trong các ống rồi mang đi hấp.
Bánh chín là nhờ hơi nước nóng bốc lên nghi ngút nồi nước bên dưới. Ngày nay, vẫn có người sử dụng nồi hơi với khuôn ống tre truyền thống để làm bánh ống lá dứa nhưng không nhiều. Đa phần, do làm bánh để buôn bán nên họ chuyển sang dùngloại nồi có khuôn inox vì có nhiều ống hơn, thuận tiện cho việc nấu bánh trở nên nhanh chóng hơn, tiết kiệm được thời gian với 3 - 4 phút đã có ngay một mẻ bánh hoàn chỉnh rồi.
Bánh ống lá dứa sau khi hấp chín thường được gói bằng lá chuối mới thơm ngon tự nhiên, thể hiện được sự mộc mạc, dân dã như chính con người miền Tây vậy. Một chiếc bánh ống thường có thêm ít dừa nạo, đậu phộng hoặc muối vừng rồi dùng lá chuối gói lại.
Bánh vừa mới ra lò, mùi thơm ấm nóng dịu ngọt của lá dứa lan tỏa khắp không gian. Không những có hương thơm hấp dẫn, chiếc bánh ống còn có màu xanh lá đầy cuốn hút, bánh có vị hơi béo của nước cốt dừa, mềm dẻo của bột gạo, chút mặn mặn của muối vừng. Tuy đơn giản nhưng hấp dẫn đến miếng cuối cùng.
"Tiếng lành đồn xa" món bánh thơm thảo này dần góp mặt nhiều trên khắp các tỉnh thành, trong đó có cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.