Thực hư về việc mít bị xịt thuốc và bôi vôi cho mau chín
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ ba, 20/04/2021 19:51 (GMT +7)
Không ít người cho rằng đây là thuốc ép chín, và nếu ăn phải sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mít vốn là loại trái cây được nhiều người yêu thích, ngoài để ăn loại quả này còn được dùng để chế biến ra nhiều món vô cùng hấp dẫn khác như xôi, chè,... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người lo lắng khi thấy trái mít bị cắt một miếng ở đầu và bôi lớp bột màu trắng vì cho rằng đó là thuốc để ép chín, nếu ăn phải sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy thực hư ra sao?
Giải đáp cho câu hỏi này, một chủ vựa mít ở Cai Lậy - Tiền Giang cho biết, muốn kiểm tra xem mít có ngon không, có đạt chuẩn không, thường người ta sẽ cắt một miếng ở phần đầu và đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường thấy những trái mít bị cắt mất một góc.
Còn những trái mít vận chuyển đi xa, thì người nông dân phải dùng thuốc bảo quản nhằm giữ được độ tươi ngon cho trái cây, nhưng ông khẳng định, loại thuốc này được đơn vị nhập khẩu hoàn toàn cho phép và đạt tiêu chuẩn để xuất đi. Nói kỹ hơn về loại thuốc bảo quản này, ông chủ vựa trái cây cho hay, đây không phải hóa chất độc hại mà là thuốc hữu cơ, có nguồn gốc Thái Lan, sau đó người nông dân sẽ đem pha với nước tinh khiết, loại nước có thể uống được.
Phải làm như vậy vì nếu không trái cây sẽ bị úng, hỏng và không thể giữ lâu. Về việc hiện có không ít nghi ngờ xung quanh loại thuốc này sẽ làm mít chín ép và độc hại cho sứ khỏe, người đàn ông này khẳng định, thuốc này an toàn và không có tác dụng thúc đẩy quá trình mít chín. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm, sau khi xịt thuốc, những trái mít sẽ được người ta quét một lớp bột mì lên để hút hết mủ rồi bôi vôi (loại vôi các bà các mẹ hay sử dụng để ăn trầu) khá an toàn cho sức khỏe. Được biết, những công đoạn này là bắt buộc phải làm, thậm chí phía đối tác còn yêu cầu thực hiện đầy đủ, để giúp ngừa vi khuẩn xâm nhập, không bị nấm mốc khi vận chuyển xa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Tú Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Nai, cũng chia sẻ trên Công an nhân dân rằng, tin đồn mít bị cho thuốc "cực độc" ép chín là tin thất thiệt, gây hoang mang, ảnh hưởng đến người nông dân.
Về vấn đề bôi vôi lên trái cây, ThS. Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng phòng Bảo vệ Thực vật, Viện cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết, mục đích của việc này là tránh nấm bệnh, gây thối rữa. Nhưng ông Hiếu cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn mọi người chỉ nên dùng vôi tinh khiết, chuyên dùng cho thực phẩm.
Đồng thời khi bôi vôi cần phải cẩn thận không để nứt hay bong khỏi vết cắt trên trái cây bởi nếu như vậy vi khuẩn, nấm mốc có thể nhờ đó mà xâm nhập. Đặc biệt, ThS. Hiếu nhấn mạnh khi dùng vôi quét lên, người dân cũng cần chú ý liều lượng nhất định, tốt nhất nên thực hiện các xét nghiệm để xác định xem nó có an toàn hay không.