Trường ĐH ở TP.HCM tuyển người đến trường "ngủ qua đêm", nhận nóng 300.000 đồng
- Thu Trà
- Đăng lúc: Thứ sáu, 30/04/2021 12:57 (GMT +7)
Việc nhẹ lương cao, không cần tốn công sức gì mà chỉ đến "ngủ" thôi cũng nhận ngay 300.000 đồng khiến cư dân mạng hăm hở đòi đăng kí ở một trường ĐH tại TP.HCM.
Chuyện kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp như thế này. Thế nhưng mới đây, một trường đại học ở Sài Gòn lại thông báo tìm người đến trường với công việc chính là ngủ và nhận tiền đã khiến dân mạng phát sốt. Công việc nhàn hạ này nhanh chóng được lan truyền khiến nhiều người tò mò, thích thú và tự ứng cử mình. Nghe chuyện như đùa nhưng thật ra lại là cả một câu chuyện rất hợp lí phía sau.
Cụ thể, một nhóm nghiên cứu tên Brain AI Lab thuộc khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM kết hợp cùng công ty công nghệ cao Fossils Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu về giấc ngủ ban đêm. Nhóm nghiên cứu này đã tìm các tình nguyện viên đến trường từ lúc 22 giờ để ngủ lại đến sáng. Mỗi tình nguyện viên sau khi tham gia sẽ nhận được 300.000 đồng. Dự án đã hoàn tất khâu đăng ký với 40 tình nguyện viên là các sinh viên.
Nghiên cứu giấc ngủ (Sleep Study) đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm ở nhiều nước nhưng tại Việt Nam vẫn chưa được phát triển. Các bệnh liên quan đến giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) và rối loạn giấc ngủ (sleep disorder) xảy ra rất phổ biến ở nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm. Những vấn đề về ngủ quá ít hoặc quá nhiều trong ngày cũng có thể là triệu chứng của bệnh rối loạn giấc ngủ. Nếu bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hiểu được điều này, nhóm nghiên cứu Brain AI Lab kết hợp cùng công ty Fossils nghiên cứu và kiểm tra độ chính xác của vòng tay kiểm tra giấc ngủ dựa vào việc so sánh tín hiệu từ vòng tay với các tín hiệu thu được từ thiết bị thăm dò giấc ngủ do công ty này sáng tạo.
Được biết, ở giai đoạn đầu, các ứng viên mắc chứng khó ngủ sẽ bị loại ra, chỉ tuyển những người có giấc ngủ đủ dài để lấy dữ liệu. Khi bước vào giấc ngủ này, các ứng viên sẽ được gắn điện cực lên đầu, cằm và tim của người tham gia nghiên cứu để theo dõi.
Chúng ta nên chú trọng tới vấn đề sức khỏe, đặc biệt là giấc ngủ. Chu trình giấc ngủ khoa học được áp dụng từ khi bạn bắt đầu ngủ chứ không phải là từ khi bạn lên giường. Theo thống kê thì mọi người sẽ cần 14 phút để bắt đầu ngủ sau khi lên giường. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp khó ngủ hoặc ngủ nhanh hơn bình thường.