Từ tháng 12/2021: 3 chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ sáu, 26/11/2021 10:14 (GMT +7)
Sẽ có 3 chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2021.
1. Người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu đồng nếu ngân hàng phá sản
Tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có quy định cụ thể, tối đa số tiền mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (trong đó bao gồm cả tiền gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Theo đó, từ ngày 12/12/2021, quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực. Như vậy, khi ngân hàng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, từ ngày 12/12/2021, người gửi tiền tại ngân hàng đó sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa là 125 triệu đồng, trong đó đã bao gồm cả gốc và lãi, so với hiện tại, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa chỉ ở 75 triệu đồng.
>>> Xem thêm: Châu Âu phê duyệt vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Cũng tại quyết định 32/2021 đã nêu rõ, hạn mức trả tiền bảo hiểm cho các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12/12/2021 thì vẫn áp dụng theo Quyết định 21/2017 là 75 triệu đồng.
2. Thay đổi về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nghị định 97/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP đã khiến việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có nhiều thay đổi. Cụ thể, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, từ ngày 23/12/2021, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo quy định, thì trên giấy chứng nhận vẫn phải có đủ các nội dung nêu tại Điều 7a Nghị định 97 gồm:
Tên và địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, tên địa chỉ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm;
Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào);
Địa chỉ của tài sản được bảo hiểm;
Tên tài sản được bảo hiểm;
Số tiền bảo hiểm sẽ được nhận;
Mức khấu trừ bảo hiểm nếu phát sinh;
Thời hạn của bảo hiểm;
Tỷ lệ phí của bảo hiểm và mức phí bảo hiểm;
Tên, số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm;
Ngày, tháng, năm cụ thể đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
>>> Có thể bạn quan tâm: Miền Bắc lại đón không khí lạnh tăng cường, chênh lệch ngày đêm tới 10 độ C
Nghị định 97 cũng nêu rõ, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mua bảo hiểm và trong công tác kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc điện tử.
3. Thay đổi mức phí bảo hiểm cháy, nổ
Nghị định 97/2021/NĐ-CP quy định từ ngày 23/12/2021, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mới. Trong đó, mức phí này được áp dụng với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và được tính theo công thức sau:
Mức phí bảo hiểm = Số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân x Tỷ lệ phí bảo hiểm
Theo bảng phí mới, có 1 số thay đổi về tỷ lệ phí bảo hiểm/năm như sau:
- Rạp chiếu phim: Mức phí bảo biểm giảm từ 0,15% xuống còn 0,1%;
- Cơ sở sản xuất, bảo quản, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp: Mức phí bảo hiểm tăng từ 0,35% lên 0,5%;
- Nhà máy nhiệt điện mức phí bảo hiểm được tăng từ 0,1% lên 0,15%;
- Nhà máy thủy điện và một số nhà máy điện khác mức phí bảo hiểm cũng tăng từ 0,07% lên 0,12%;…
Bên cạnh đó, đối với một số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thì Nghị định 97 cũng bổ sung tỷ lệ phí bảo hiểm/năm để phù hợp với danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP như:
- Công trình tàu điện ngầm tỷ lệ phí bảo hiểm theo quy định là 0,1% và 0,12%.
- Đài kiểm soát không lưu theo quy định tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,08%;...