Xông hơi và những điều nhất định phải tránh

Bỏng do xông hơi thường ở diện rộng, hay ở vùng mặt cổ nên rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.

Hashtag: Tai nạn thường gặp trong gia đình

Vào ngày 29/11/2020 ông V.H. 65 tuổi, đến xông hơi điều trị bệnh tại phòng khám ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) theo lịch hẹn của Giám đốc phòng khám thì bị bỏng nặng dẫn đến tử vong. Theo lời kể của con gái ông V. H., ông đã điều trị ở đây được khoảng 3 tháng, mỗi tháng một lần theo lịch hẹn của bác sĩ chứ không cố định thời gian.

Cụ thể, khoảng 10h ngày 29/11, ông H. đến phòng khám thì được đưa vào phòng xông hơi, sau khoảng 1h gia đình được phòng khám thông báo ông H. bị bỏng nặng nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Nhà Bè.

Tử vong khi đi xông hơi và cách phòng tránh (Ảnh minh hoạ)

Sau đó vì quá nặng nên bệnh viện này đã chuyển ông H. đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và khoảng 15h30 chiều cùng ngày, các bác sĩ nơi đây đã thông báo ông đã bị giãn đồng tử, không còn khả năng cứu chữa và khuyên gia đình đưa ông H. về lo hậu sự.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Khoa Vũ, Giám đốc Phòng khám đông y Nguyễn Khoa xác nhận ông V.H. bị bỏng khi xông hơi tại cơ sở và đã không qua khỏi. Trước khi vào phòng xông, ông V.H. đã được bắt mạch.

Liên quan đến tình trạng bỏng khi đi xông hơi, nguyên trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn - bác sĩ Nguyễn Thống - cho biết, xông hơi là dùng nước để làm ấm, nóng cơ thể.

Với những trường hợp bị bỏng khi đi xông hơi đa phần đều là do không kiểm soát được nhiệt độ của hơi nóng và thường do vòi hơi nóng từ 44 độ C trở lên. 

Theo bác sĩ Thống, bỏng do xông hơi cũng rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời, đặc biệt rất dễ để lại di chứng, hình thành những sẹo rất xấu. 

Các chuyên gia khuyến cáo, xông hơi khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, cùng với đó là tác động đến âm huyết và dương khí. Do vậy thời gian tối đa để xông hơi mỗi lần là từ 10 - 15 phút, mỗi tuần từ 1 - 2 lần, đồng thời không nên xông hơi quá lâu vì sẽ gây nhiều nguy hại cho sức khỏe như ngột ngạt, thiếu oxy, mệt mỏi, chóng mặt.

Trường hợp đã uống rượu, người sốt cao lâu ngày, ăn uống kém, suy nhược, âm chất kém, có bệnh lý tim mạch, phụ nữ đang mang thai và đang hành kinh, già yếu.... đều không nên xông hơi.

Bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo, để không bị bỏng hơi thì người xông hơi phải chú ý để kiểm soát được nhiệt độ và nghe ngóng sức khoẻ bản thân. Trường hợp không thoải mái hoặc hơi nước quá nóng cần phải thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc gọi nhân viên phục vụ để được can thiệp kịp thời.

Bài liên quan

News feed