Tuổi trẻ nên cháy hết mình hay tiết kiệm cho tương lai?
- Bút Bi
- Đăng lúc: Thứ tư, 14/09/2022 14:19 (GMT +7)
Những năm tháng tuổi trẻ có quá nhiều mời gọi, quá nhiều trải nghiệm đáng để thử. Nhưng thử ra sao để có tuổi trẻ rực rỡ mà tương lai không bất ổn?
"Cuộc sống vốn ngắn ngủi cứ tận hưởng đi, cứ tiêu tiền đi vì về già có tiền cũng chẳng tiêu được" và "Hãy cày đi, tiết kiệm đi vì cuộc đời còn nhiều nỗi lo toan đó là 2 trường phái, 2 luồng tư tưởng đối lập tổn tại trong thực tế?
Tiết kiệm cho tương lai hay chơi cho đã để về già không hối hận, lựa chọn này phụ thuộc theo từng quan điểm, nhận định riêng của mỗi người. Nhưng để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một người phụ nữ.
Người con gái ấy vào năm 22 tuổi dấn thân vào đời có được một công việc tốt và nhận được những đồng lương đầu tiên. Cô gái ấy vui sướng, hân hoan, tự nhủ phải tự thưởng cho bản thân mình vì đã có công việc ổn định, lương cao. Phần thưởng ban đầu chỉ đơn giản là những bộ quần áo bình dân, giản dị, những chuyến du lịch trong nước ngắn ngày.
Sau đó, khi nhận những tháng lương tiếp theo, cô gái trẻ cảm thấy chưa thỏa mãn với những thứ dung dị đó, lại “nướng” tiền vào những bộ quần áo đắt tiền hơn, cao cấp hơn. Chạy theo những trào lưu hot nhất bấy giờ, nào là điện thoại đời mới thay “điên cuồng”, du lịch nước ngoài sang chảnh,…những thứ xa xỉ cô nàng đều trải qua.
Đôi lúc ngẫm nghĩ, cô nhận thấy mình đã tiêu tiền thật hoang phí. Đôi lúc nhìn vào số dư tài khoản ít ỏi, cô cũng giật mình thấy mình tiêu vô tội vạ. Nhưng cô cố gắng xua đuổi những bất an, lo lắng ấy bằng ý nghĩa "Cuộc sống có bao lâu mà hững hờ, cứ tiêu đi vì ta còn trẻ, làm được thì tiêu được, tiền của mình mà".
Khi bước vào độ tuổi U30, cô gái ấy không còn là cô gái trẻ chập chững bước chân vào đời nữa. Mọi việc xung quanh cô ta thay đổi, thay đổi từ việc đã lập gia đình, có con. Nhưng thói quen tiêu tiền phóng khoáng quá độ vẫn chẳng đổi thay, phần bởi nó đã là thói quen, phần bởi bố mẹ của cả 2 đều không nhờ cậy gì cặp vợ chồng son.
Mỗi lần tiêu tiền, cô đều đưa ra những lý do rất thuyết phục. Nào là chỉ tiêu tiền cho chồng, cho con mà thôi, mình chỉ mua sắm những thứ tốt nhất, du lịch thoải mái hơn so với các gia đình khác mà thôi. Với những lý do chính đáng như vậy đã khiến cho người phụ nữ U30 khi đã có chồng có con vẫn chẳng dành dụm được bao nhiêu.
Nhưng mọi thứ chẳng êm đềm mãi như thế, dần bước sang tuổi 40, sóng gió của gia đình cô ập đến. Đó là khi con trai cô bắt đầu chuẩn bị thi vào cấp 3 với 1001 lớp học thêm và con gái chuẩn bị vào lớp 1. Vấn đề ở chỗ, vợ chồng cô đã đầu tư cho cậu cả học trường quốc tế, chẳng lẽ cô út lại không? Trong khi do không có quỹ dự phòng đủ lớn, việc cho cả 2 nhóc tỳ đi học trường quốc tế quả là một gánh nặng.
Chưa kể lúc đó, bố mẹ cô phải trải qua một cuộc đại phẫu tốn rất nhiều tiền về thận, bố mẹ chồng cũng bắt đầu đôi lúc yếu đau. Vốn dĩ ông bà đôi bên không cần vợ chồng cô chu cấp, nhưng với những khoản lớn cho sức khỏe khi phải chi một cục, làm sao vợ chồng cô khoanh tay đứng nhìn?
Hơn lúc nào hết, người đàn bà tuổi 40 không có kế hoạch tài chính bắt đầu mông lung. Những cụm từ tiết kiệm, tích trữ lúc này có xuất hiện nhưng có phần đã muộn màng. Thói quen chia tiêu, lối sống nhiều năm của gia đình không phải là điều ngày một, ngày hai có thể thay đổi. Hơn hết có thay đổi cũng khó giải quyết ngay những tình huống phát sinh.
Được thoải mái, vui vẻ là điều ai cũng mong muốn nhưng sống hết mình như thế nào cho đúng, cho đủ lại chẳng dễ dàng. Vì chúng ta sống trên đời này đâu chỉ có một mình và cuộc đời đâu phải lúc nào cũng thuận lợi, bằng phẳng?
Mỗi người một cuộc sống, một lựa chọn. Không phủ nhận những trải nghiệm từ những chuyến đi, việc yêu chiều bản thân có giá trị nhất định. Nhưng trừ khi bạn chắc chắn không bao giờ phải lo về vấn đề tiền, nếu không việc dung hòa giữa sống hết mình cho ngày hôm nay và dự phòng cho ngày mai luôn là việc thực sự cần phải đặt lên bàn cân và hoạch định. Có như thế dù tuổi trẻ cháy hết mình, tuổi già vẫn sống rực rỡ và tự tin rằng: “Tôi nhờ có kế hoạch tài chính tốt mà có thể sống tự do, dễ dàng xoay sở ngay cả khi có biến cố bất ngờ.”