Kimjang: Văn hóa muối kim chi là Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc

Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc không thể không nhắc đến Kim chi và Kimjang (văn hóa muối Kim chi), được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hashtag: Ẩm thực Hàn Quốc Ẩm thực thế giới Tinh hoa ẩm thực Văn hóa ẩm thực

Nếu Việt Nam nổi tiếng với phở, Nhật Bản nổi tiếng với sushi... thì Hàn Quốc lại được biết đến bởi Kim chi. Món ăn này nổi tiếng đến chỉ nghe tên thôi cũng đã biết đến xuất xứ. Kim chi của Hàn Quốc vô cùng đa dạng, đến mức, người ta còn xây hẳn một viện bảo tàng cho món này.

Kimjang là văn hóa muối kim chi của người Hàn Quốc

Dù kim chi đã trở thành món ăn có sức ảnh hưởng lớn ở nhiều nước, nhưng không phải ai cũng biết rằng kim chi gắn liền với Kimjang (김장) - văn hóa muối Kim chi. Kimjang và được từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013? 

Kimjang, văn hóa muối Kim chi của người dân Hàn Quốc

Kim chi xuất hiện tại Hàn Quốc vào đầu thời kỳ Goryeo (khoảng thế kỷ thứ 10) dưới hình thức các món rau củ ngâm muối. Trải qua quá trình lịch sử, ngày nay có khoảng 300 loại Kim chi khác nhau và trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Hàn Quốc. Dù vậy loại kim chi phổ biến nhất vẫn là kim chi cải thảo.

Tháng 11 là thời điểm mọi người bắt đầu muối Kim chi.

Cải thảo không phải lúc nào cũng có và để chuẩn bị cho mùa giá rét không có rau, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 - khi cải thảo ngon nhất, người dân Hàn Quốc sẽ chuẩn bị muối lượng lớn cải thảo để dành ăn cả năm. Việc muối kim chi dành cho cả gia đình ăn một năm là một công việc tốn nhiều sức lực.

Một gia đình có thể muối tới từ vài chục tới... vài trăm cây cải thảo nên việc muối kim chi rất nhiều người tham gia vào các công đoạn. Đây chính là khởi đâu cho văn hóa Kimjang. Nhưng Kimjang không chỉ đơn giản là tập hợp người cùng nhau làm kim chi mà gắn với đó là nhiều nét văn hóa thú vị.

Chuẩn bị nguyên liệu để muối Kim chi.

Việc chuẩn bị cho Kimjang được thực hiện theo chu kỳ và theo thời điểm. Vào mùa xuân, người ta bắt đầu ướp hải sản như cá cơm, tôm với muối rồi để chúng lên men. Mùa hè là thời điểm mua muối hạt, ớt đỏ và sơ chế chúng. Đến cuối thu, những người nội trợ sẽ theo dõi thời tiết để lựa chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu muối Kim chi. Thời tiết mát mẻ và ổn định là điều kiện tiên quyết giúp Kim chi đạt được hương vị ngon nhất. 

Để chuẩn bị cho Kimjang, các bà, các mẹ phải chuẩn bị trước nhiều ngày để ủ muối, rửa cải thảo, phơi héo cũng như làm hỗn hợp Sok (속) để trộn vào kim chi. Sok gồm bột ớt đỏ, tỏi, gừng, mắm tôm lên men, nước mắm, củ cải thái nhỏ, mù tạt xanh, hành lá...

Để làm được kim chi cần rất nhiều công đoạn chuẩn bị từ trước.

Mặc dù ngày nay, mọi thứ khi làm với số lượng lớn đều sử dụng máy móc hỗ trợ thì Kimjang vẫn được làm một cách thủ công, trải qua từng giai đoạn dưới bàn tay con người. Những ngày này, mọi người thường tụ tập lại để cùng nhau muối Kim chi, chia sẻ kinh nghiệm và thưởng thức những món Kim chi ăn liền (Geotjeori). Đồng thời, đây cũng là dịp để mẹ chồng truyền lại cho con dâu, con gái công thức muối Kim chi để văn hóa Kimjang không bị mai một.

Lễ hội Kimjang tại Hàn Quốc, phương tiện sẻ chia yêu thương

Kimjang là một dịp quan trọng đối với người dân xứ Hàn. Thậm chí, trước đây khi tới dịp làm Kimjang, công nhân viên chức sẽ được nghỉ phép hoặc nhận tiền thưởng. Năm 2001, lễ hội làm Kim chi cho người nghèo được tổ chức và đến năm 2004 mới lan rộng ra cả nước. Năm 2014, lễ hội "Muối Kim chi chia sẻ yêu thương" đã được ghi nhận là lễ hội làm Kim chi quy tụ số lượng người tham gia đông nhất tại một địa điểm. Những lễ hội Kimjang trong các năm tiếp theo đều thu hút nhiều người tham gia. 

Lễ hội muối Kim chi của người dân Hàn Quốc.

Gần đây, có nhiều du khách quốc tế tham gia vào lễ hội Kimjang hoặc các sự kiện liên quan đến Kimjang. Vì vậy, có thể nói Kim chi là đang làm rất tốt sứ mệnh của mình và Kimjang trở thành cây cầu nối giúp người nước ngoài cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị quan trọng trong xã hội Hàn Quốc. 

Kimjang, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Năm 2011, Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là lễ tế Tông Miếu và nhạc tế lễ Tông Miếu. Đến nay, quốc gia này đã có 15 Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Trong đó có văn hóa Kimjang (Kimjang: Making and Sharing Kimchi in the Republic of Korea).

Mọi người trong thôn, xóm cùng tụ tập để làm Kim chi.

Cứ đến đầu tháng 11, các tin tức liên quan về Kimjang lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mọi người có thể nắm bắt được từng vùng nên muối Kim chi vào lúc nào, thời tiết ra sao và giá cả nguyên liệu, gia vị muối Kim chi tăng, giảm thế nào.

Lý do được đưa ra là bởi Kim chi là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm và Kimjang đã trở thành nét văn hóa sinh hoạt của người dân xứ Hàn. Đây cũng là điểm được nhấn mạnh trong đơn xét duyệt Kim chi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong đơn đăng ký khi gửi lên UNESCO. 

Kimjang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Kimjang là nét văn hóa sinh hoạt độc đáo được truyền qua nhiều thế hệ Hàn Quốc trong suốt nhiều năm lịch sử. Hy vọng Kim chi cũng như Kimjang sẽ luôn phát huy vai trò của mình trong văn hóa truyền thống cũng như nền kinh tế hiện đại, đồng thời trở thành điểm nhấn thú vị để du khách có thể trải nghiệm khi đến du lịch Hàn Quốc. 

Bài liên quan

News feed