Xôi lúa - món xôi dân dã gói cả hương vị ruộng đồng của đất Hà Thành
- NA
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/10/2020 14:41 (GMT +7)
Cái tên xôi lúa có lẽ còn lạ lẫm với nhiều người bởi món ăn dân dã này đã quá quen thuộc với tên gọi là xôi ngô hay ngô bung.
Khi nghe đến xôi lúa, hẳn không ít người thấy lạ lẫm mà thắc mắc xôi lúa là gì? Thực chất xôi lúa không phải món xôi mới hay món gì xa lạ, nó được nhiều người với cái tên xôi ngô hay xôi bắp - vốn là món xôi được bán rất phổ biến.
Dạo một vòng tìm hiểu, thì cái tên xôi lúa được xuất hiện theo hai cách diễn giải. Có người cho rằng vì ngô là giống lúa mà nước Ngô (tên mà người Việt gọi nước Trung Hoa ngày xưa) mang tới nên ban đầu ngô có tên là “lúa Ngô”, sau khi trồng ra trái thì thấy hạt có thể ăn được nên người dân mang trộn với gạo để nấu thành xôi và gọi là xôi lúa.
Cũng có người nói sở dĩ gọi xôi ngô là xôi lúa vì có vùng người dân gọi hạt lúa là hạt thóc, cây lúa là cây thóc, còn cây ngô thì lại được gọi là cây lúa nên xôi ngô được gọi là xôi lúa cũng từ lẽ đó. Không có sự tranh cãi gay gắt nào xảy ra khi gọi tên loại xôi gắn bó với đồng ruộng này, người ta cứ âm thầm thừa nhận món xôi thơm dẻo với những hạt ngô bung nở trắng là xôi lúa. Có lẽ, đây cũng là cách gọi duy nhất xuất hiện ở đất Hà Nội xưa và người Hà Thành xưa quen gọi.
Xôi lúa Hà Nội gắn liền với làng Tương Mai, nơi được xem là “Đệ nhất Hà thành xôi", cũng là nơi gắn liền với nhiều gánh xôi xéo, xôi lúa tên tuổi ở Hà Nội như xôi cô Mây, xôi cô Tuyết.
Nguyên liệu của xôi lúa chủ đạo vẫn nằm ở nếp và ngô. Gạo có ngon, ngô có ngon mới cho ra món xôi lúa ngon. Những hạt ngô nếp mẩy được phơi khô cho già nắng, sau đó ngô được ngâm với nước vôi trong, qua vài lần đun nở và chà sạch mày vỏ, ngô đun chín sẽ nở to gấp đôi, hạt trắng nõn nà là ngô đã đạt. Gạo nếp trong xôi lúa chỉ điểm qua mang tính chất kết dính những hạt ngô lại với nhau, tuy nhiên, nếp cũng phải là loại nếp cái hoa vàng được lựa chọn.
Nhà văn Băng Sơn trong quyển “Thú ăn chơi của người Hà Nội” từng viết về món xôi lúa như thế này “Bao giờ xôi lúa cũng có màu hoàng yến, màu vàng chanh. Cái phớt trắng của hạt ngô đã nhừ, xen kẽ với hạt gạo đã nở, mọng như nhân hương sen non, mềm mà không nát".
Có một điểm chung giữa xôi lúa và xôi xéo đó là đều phải có thêm đỗ xanh và hành phi mới tròn vị. Đỗ xanh ngon sau khi đồ chín phải giã nhuyễn rồi nắm chặt những thành quả đỗ tròn, khi ăn người bán lấy dao sắc xắt đỗ thành từng lớp mỏng tang, rồi thơm mỡ, hành phi. Đơn giản có vậy thôi mà làm xao xuyến bao con tim người đi xa.
Dù ngày nay, người ta thường hay gói xôi vào lá chuối, lá dong, nhưng thực chất xôi lúa phải gói lá sen mới đúng điệu thưởng thức, bởi cái mùi thơm nhè nhẹ của lá sen hòa cùng mùi hành phi vàng giòn và mùi mỡ nước tạo nên một hương vị rất riêng cho món ăn của người quê.