Những ngày bắt đầu sang mùa thu, trời không mưa, nắng đã bớt đôi phần gay gắt và không khí quá ư là mát mẻ, tự thưởng cho mình một bát chè ngon ngọt nơi góc phố sẽ kích thích cả vị giác lẫn thị giác của bất cứ ai. Dưới đây là món chè rất ngon với cách chế biến kỳ công mà không phải ai cũng từng được nếm.
1. Chè con ong
Có thể nhiều bạn trẻ chưa từng thử hoặc thậm chí nghe tên thứ chè ngọt ngào có màu vàng cánh gián bắt mắt và thơm mùi gừng này nhưng đây lại là một món chè truyền thống từng rất được ưa chuộng vào ngày lạnh. Dù vậy chè con ong không bán đại trà và cũng ít nhà nấu thường xuyên; thức chè đặc biệt này thường được các mẹ nấu để dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi tuần trăng ngày rằm, mùng một hay lễ Tết.
Gọi là chè, nhưng món chè này giống xôi hơn bởi nguyên liệu chính của nó là gạo nếp. Để tạo nên mới chè con ong không thể thiếu được mật, gừng. Sau khi ngâm gạo nấu xôi chín mềm, xôi sẽ được nấu chung với mật, gừng theo khẩu vị vừa ăn sao cho hạt gạo mềm dẻo nhưng không nát, chuyển màu nâu của mật là thành công.
Món chè con ong có vị ngọt đậm của mật và mùi gừng cay ấm. Những ngày thời tiết có chút chớm đông của gió mùa, cầm đĩa chè con ong trên tay mà thấy sao ấm áp lạ thường. Chè con ong để được rất lâu, khi ăn, người ta thường lấy dao cắt thành từng miếng nhỏ và ăn từ từ. Món này uống với nước trà cũng rất hợp.
2. Chè kho
Dù chè thường được ăn trong bát hay cốc, nhưng chè kho là thức chè buộc phải cho ra đĩa. Chè kho là món ăn mang hương vị Tết cổ truyền của người miền Bắc, món này có nguyên liệu chính là đỗ xanh bỏ vỏ chỉ còn lòng đỗ vàng ươm. Đỗ và rất nhiều đường được nấu và đánh cho hòa quyện cho đến khi thấy nặng tay và dính nhẹ vào đũa là đã đạt.
Sau khi chè nấu xong người nấu cần nhanh tay múc và dàn chè khi còn nóng để dễ tạo khuôn. Thậm chí với kết cấu đó, chè khi thậm chí có thể dùng khuôn để đóng như đóng oản. Sau khi xong hãy nhanh tay cho mấy hạt vừng trắng lên trên vì để nguội vừng không dính nữa.
Chè kho không phải là món chè “ăn xổi”. Muốn được miếng chè sau khi cắt thật mịn màng, tất cả các hạt đỗ đều thật tơi và quyện đường là cả một quá trình cẩn thận và chăm chút từ lúc bắc bếp tới lúc dàn khay. Chỉ lơ đễnh chút thôi là có thể bị khê và bỏ nguyên nồi chè.
Có lẽ vì cần thời gian đủ lâu và sự tỉ mỉ để đỗ và đường tan hòa vào nhau như cách kho được một nồi cá hay thịt kho ngon, nên các cụ ta xưa gọi là chè kho chăng?! Chè kho ngọt nhưng lại rất hợp với trà xanh hãm chát. Cắn một miếng chè, uống một ngụm trà, nhìn ngắm đường phố người qua lại, thật thú vị biết bao.
Địa chỉ gợi ý
Chè Mười sáu - 16 Ngô Thì Nhậm
Chợ Hàng Bè
Bình luận