Khoảnh khắc sức nặng của đế chế thời trang Dior đè lên vai chàng trai 21 tuổi
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ hai, 02/08/2021 19:15 (GMT +7)
Khoảnh khắc Yves Saint Lauren đứng lặng lẽ một góc trong đám tang của Christian Dior đã trở thành một trong những khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất.
Ở tuổi 21, nhiều người còn không rõ về việc ngày mai mình sẽ làm gì. Tuy nhiên, có những người ở tuổi 21 đã chịu trách nhiệm cho sự tồn vong của một đế chế hàng tỷ đô la. Ví dụ như Yves Saint Laurent, Giám đốc sáng tạo trẻ nhất của Dior.
Trước khi được biết tới với vai trò của cha đẻ của một trong những thương hiệu thời trang phá cách nhất nước Pháp, Yves Saint Laurent từng là người học trò, người bạn thân thiết của Moinsseur Dior. Trong suốt quãng thời gian làm trợ lý cho Dior, Laurent đã có thật nhiều cơ hội để trau dồi, phát triển và thay đổi bản thân mình. Thật không ngoa khi nói rằng, nếu như không có Dior, sẽ chẳng có một Yves Saint Laurent đầy ngạo nghễ như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Vào 24 tháng 10 năm 1957, Dior qua đời bởi một cơn đau tim tại Montecatini, Italy. Sự ra đi đột ngột của người đứng đầu đã khiến đế chế Dior chao đảo. Rất nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng rằng con thuyền Dior không biết sẽ ra sao khi thiếu người thuyền trưởng của mình?
Sau một thời gian cân nhắc, gia đình Dior đã quyết định trao lại ghế Giám đốc sáng tạo cho người bạn, người học trò thân thiết nhất của Dior, chàng trai mới trải qua tuổi 21, Yves Saint Laurent. Ở cái tuổi mà những người bạn đồng trang lứa còn đang bận bịu với con nhỏ hoặc những mối tình chớp nhoáng thì Laurent đã phải chịu trách nhiệm cho cả một thương hiệu lớn và hàng trăm con người phía sau.
Giữa những đau buồn, khoảnh khắc mà Laurent thu mình một góc, đứng lặng lẽ trong đám tang của Yves Saint Laurent để lưu luyến người bạn hữu, đồng thời nghĩ về tương chông gai phía trước đã trở thành một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất lịch sử phát triển của cả 2 thương hiệu.
Yves Saint Laurent đã thực sự trải qua một cú sốc. Ông lao vào làm việc như một cách vượt qua đau buồn. Có thời điểm, Laurent tự nhốt mình trong phòng, vẽ liền tù tì 1000 mẫu phác thảo để phục vụ cho BST 1958 - cường độ làm việc khiến nhiều người phải choáng ngợp. Trong suốt lịch sử tồn tại của Dior, Laurent cũng là người duy nhất từng thực hiện 6 bộ sưu tập thời trang cho nhà mốt Pháp.
Tuy nhiên, với cường độ làm việc kinh khủng, cùng với việc bị gọi nhập ngũ, Saint Laurent đã rơi vào bóng ma trầm cảm. Ông quyết định rời Dior vào năm 1960 và từng có ý định từ bỏ thời trang nếu như không có lời động viên của Pierre Bergé, người yêu và nhà đồng sáng lập của Yves Saint Laurent.
Năm 1962, Yves Saint Laurent ra mắt thương hiệu thời trang mang tên chính mình, một thương hiệu thời trang không theo quy chuẩn, đạp lên mọi định kiến xã hội nhưng vẫn không kém phần nữ tính. Kể từ đó, Yves Saint Laurent không còn là một cái tên riêng. Nó còn là định nghĩa mới cho những cô gái thành thành thị theo đuổi phong cách thời trang nổi loạn, phản tiết hạnh nhưng vẫn chất chứa chiều sâu trong mỗi sự lựa chọn trang phục, như cách mà "cha đẻ" của chúng, NTK Yves Saint Laurent đã gửi gắm qua các thiết kế của mình.