Cách đây vài tháng, nhà mốt Dior đã tổ chức show diễn cho BST Dior Cruise 2021 tại vùng Puglia – miền đồng quê phía nam nước Ý, và cũng là quê hương của Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri. Đó không đơn thuần là một buổi diễn thời trang, mà còn giống như một cuộc dạo chơi để khám phá truyền thống, nghệ thuật và văn hoá của thị trấn Lecce - nơi được mệnh danh là “Florence của phía Nam”.
Nhắc tới thời trang cao cấp, chúng ta thường hay nghĩ tới những từ như "sang trọng", "tinh xảo", "xa xỉ"... Những khái niệm liên quan tới tính bản địa thường ít được coi trọng. Các bậc thầy thủ công tại những làng nghề nhỏ đang dần bị lãng quên, chứ đừng nói tới việc được mời tham dự buổi trình diễn của một trong những nhà mốt xa xỉ hàng đầu thế giới.
Nhưng Dior đã biến điều dường như không thể thành có thể. Nhà mốt nước Pháp đã có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của những nghệ nhân thủ công trong quá trình thực hiện BST Cruise 2021 này. Dior đã hợp tác cùng các nghệ nhân ở Puglia để đưa những kĩ thuật thêu dệt truyền thống lên các thiết kế của mình.
Những thiết kế được thêu đính bằng tay đã gây được tiếng vang lớn trong ngành thời trang. Trong đó, Tombolo - kỹ thuật thêu tinh xảo xuất hiện vào thế kỷ 15 tại Ý và sau đó du nhập sang nhiều nước châu Âu khác - được thể hiện một cách tỉ mỉ và tinh tế trên từng đường kim mũi chỉ khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng cũng phải xuýt xoa ngợi khen.
Bên cạnh đó, xuyên suốt buổi trình diễn BST Cruise 2021, người xem còn được thưởng thức tiết mục nhảy dân gian Pizzica của vùng Salento trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng.
Qua việc hợp tác với làng nghề thủ công và tổ chức buổi trình diễn thời trang ngay tại thị trấn Lecce, NTK Maria Grazia Chiuri muốn nhấn mạnh giá trị của nghệ thuật thủ công cho người dân nơi này, cũng như là toàn bộ người dân nước Ý. Đó cũng là thông điệp, là tuyên ngôn cho giới thời trang: Hãy trân trọng văn hoá và nghệ thuật thủ công truyền thống, và biết trân trọng các di sản do chính mình làm nên.
Bình luận