Mì chính là một trong gia vị không thể thiếu trong tủ bếp của mỗi gia đình Việt Nam với tác dụng tạo ngọt cho món ăn. Mì chính có tên khoa học là Monosodium Glutamate (MSG) - một loại muối natri của acid glutamic. MSG tự nhiên thường có trong các món ăn như: phô mai, rong biển, à chua, nấm, thịt,... Mì chính hiện tại thường được sản xuất bằng cách lên men đường mía.
Mì chính/ bột ngọt xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1908, đến năm 1968 thì những phàn nàn về tác dụng phụ của mì chính mới thực sự nổi lên và được công chúng quan tâm. Không ít chị em phụ nữ lo lắng về những tác dụng phụ như đánh trống ngực, đau đầu, buồn nôn,... khi sử dụng mì chính quá nhiều.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có một nguyên cứu nào chứng minh rằng bột ngọt có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của người sử dụng. Cũng chưa có bất cứ quốc gia nào trên thế giới cấm sử dụng loại gia vị này trong chế biến thực phẩm.
Điều này không có nghĩa là bạn có thể sử dụng mì chính thoải mái. Mì chính không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào cho cơ thể và việc lạm dụng mì chính sẽ khiến dư thừa chất Glutamate, làm cho gan, thận phải hoạt động nhiều hơn so với bình thường.
Đó cũng là lý do mà những người nhạy cảm với bột ngọt thường sẽ gặp phải một số triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt sau khi ăn phải thực phẩm được chế biến bởi quá nhiều mì chính.
Ăn nhiều mì chính cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, các bệnh về thận và chứng loãng xương. Do đó, bạn nên sử dụng bột ngọt ở mức vừa phải để không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
Mì chính tan tốt nhất ở nhiệt độ 70 - 90 độ C. Do vậy không nên cho mì chính khi đồ ăn đã nguội nhưng cũng không nên nêm mì chính ở nhiệt độ cao. Bạn nên cho mì chính khi đã tắt bếp bởi nhiệt độ cao có thể sẽ khiến các phản ứng hoá học xảy ra, khiến mì chính trở thành chất gây hại.
Mì chính vốn dĩ đã có lượng natri lớn, nên khi đã sử dụng nhiều mì chính thì bạn nên giảm lượng muối, mắm để không nạp vào cơ thể quá nhiều natri, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, thận hay loãng xương.
Bình luận