Áo khoác bomber: Chiếc áo xuất phát từ lính đánh bom

Lâm Nguyễn Đăng lúc: Thứ năm, 06/01/2022 00:44 (GMT +7)
Áo khoác bomber là một item không thể thiếu trong tủ quần áo của các tín đồ thời trang, song ít người biết rằng đây vốn là áo chuyên dụng của phi công đánh bom.
Hashtag #Lịch sử thời trang #Thời trang và Phong cách #BEAUTORY #Thời trang

Nếu bạn là một người sành điệu, đặc biệt là những người theo phong cách hip hop hoặc streetstyle, thì không thể không biết tới áo khoác bomber. Vậy bạn có biết rằng chiếc áo này vốn là trang phục quân đội không?

Áo khoác bomber từng là trang phục của lính đánh bom trên không
Áo khoác bomber từng là trang phục của lính đánh bom trên không

Lịch sử áo khoác bomber

Áo phi công A-1 trong Chiến tranh Thế giới I

Trong Thế Chiến lần thứ nhất, đánh bom trên không trở thành lối tấn công thông dụng của quân lính. Những phi công lái máy bay đánh bom được gọi là bomber.

Lúc bấy giờ, những chiếc máy bay đánh bom có buồng lái mở, các phi công phải chịu đựng sự lạnh buốt ở trên không. Bởi vậy, vào năm 1917, không quân Mỹ đã tạo nên một chiếc áo bảo hộ nhằm giữ ấm cho phi công. Áo được làm bằng da thuộc bền, thường là da ngựa hoặc da hải cẩu, áo có nút bấm, túi áo có nắp. Viền cổ và eo thì được may bằng vải dệt kim co giãn.

Mẫu áo bomber A-1
Mẫu áo bomber A-1

Chiếc áo được thiết kế riêng dành cho những phi công đánh bom, nên nó được đặt tên là bomber jacket - áo khoác của lính bomber. Như vậy, áo khoác bomber xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, là áo khoác chuyên dụng của phi công trong thời chiến. 

Những nhược điểm của áo khoác bomber thời kỳ đầu

Vào những năm 1930, người ta đã nâng cấp chiếc áo A-1 thành áo A-2. Phiên bản mới tiện dụng hơn với khoá kéo thay vì nút bấm như cũ. Cổ áo được làm cao hơn, có thể bẻ xuống hoặc che tới tận mũi. 

Phiên bản áo khoác bomber A-2 của phi công
Phiên bản áo khoác bomber A-2 của phi công

Tuy nhiên, vào lúc này, những chiếc máy bay chiến đấu cũng được cải tiến. Chúng có thể bay cao và xa hơn, khả năng chịu thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá tốt hơn. Chính điều này đã làm lộ nhược điểm của áo khoác A-2. Do làm từ da thuộc, áo có thể bị ướt khi gặp mưa, và trong thời tiết lạnh giá thì chúng có thể đóng băng, gây tổn hại tới sức khoẻ của các phi công.

Da thuộc được thay thế bằng nylon

Quân đội Mỹ đã phải tìm một chất liệu thay thế da thuộc, đảm bảo đủ các tiêu chí: khả năng giữ ấm cao, chống thấm, và đủ nhẹ để không ảnh hưởng tới việc các phi công điều khiển máy bay. Có hai nguyên liệu có thể đáp ứng những điều kiện này là nylon và cotton.

Trên thực tế, nylon là lựa chọn phù hợp hơn. Cuối thập niên 1930, chất liệu này đã được đưa vào sản xuất, và được ca tụng bởi độ bền, khả năng chống thấm, chống mối mọt và nấm.

Nylon vốn là chất liệu dành riêng cho lính nhảy dù. Do đó, người ta đã sử dụng cotton làm áo bomber để không làm hao hụt nguyên liệu nylon quan trọng. Thiết kế bomber làm từ vải cotton với cổ áo gắn lông thú được đặt tên là B-15.

Marilyn Monroe trong chiếc áo khoác bomber B-15
Marilyn Monroe trong chiếc áo khoác bomber B-15

Sang tới Chiến tranh Thế giới lần II, sản lượng nylon bắt đầu tăng vọt. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu cũng đã có buồng điều khiển kín để che chắn gió lạnh. Quân đội Mỹ quyết định sử dụng nylon để làm áo bomber. Cổ áo gắn lông cừu cũng được loại bỏ để tránh việc phi công cảm thấy nóng nực trong khoang lái, thay vào đó người ta sử dụng chất liệu dệt kim co giãn dễ thở hơn. Phiên bản áo khoác bomber này được gọi là MA-1, cũng chính là thiết kế áo khoác bomber hiện đại.

Áo khoác bomber MA1 chính là phiên bản được sản xuất cho tới tận ngày nay
Áo khoác bomber MA1 chính là phiên bản được sản xuất cho tới tận ngày nay

Áo khoác bomber được du nhập vào văn hoá của giới trẻ nổi loạn

Mặc dù xuất phát điểm là trang phục của quân đội, nhưng từ thập niên 1950 trở đi, áo khoác bomber lại trở nên nổi tiếng trong nhiều nền văn hoá khác nhau

Nước Anh: Áo bomber là biểu tượng của dân skinhead

Vào những năm 1950, làn sóng văn hoá skinhead được dấy lên mạnh mẽ tại Anh. Những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp lao động nghèo khó cho rằng chính phủ đã bỏ quên mình. Họ bắt đầu ủng hộ sự cực đoan và bạo lực của phe Phát xít. Để tỏ rõ thái độ cứng rắn của mình, những người này đã cạo đầu, mặc đồ hầm hố, đi bốt cao cổ, mặc quần jeans, áo khoác bomber...

Áo khoác bomber được giới skinhead ưa chuộng
Áo khoác bomber được giới skinhead ưa chuộng

>>> Xem thêm: Quần jeans: Item huyền thoại của giới thời trang

Nhật Bản: Áo khoác bomber là sự giao thoa giữa văn hoá Mỹ và văn hoá Nhật

Hậu Chiến tranh Thế giới II, văn hoá Mỹ được lan rộng tại Nhật Bản. Với sự thua trận của quân Phát xít Đức–Nhật, từ cuối thập niên 50s, một phần lãnh địa của Nhật bị quân Đồng minh chiếm đóng. Khi tới Nhật, lính Mỹ đã đem theo chiếc áo bomber của mình. Họ đính lên áo các sticker và patch mang đậm nét văn hóa của Nhật Bản. Rồi sau đó họ lại đem áo về Mỹ như một kỷ niệm về những ngày tháng tại Nhật.

Áo khoác bomber mang dấu ấn văn hoá Nhật Bản
Áo khoác bomber mang dấu ấn văn hoá Nhật Bản

Giới trẻ Nhật Bản đã bị cuốn hút bởi phong cách đó. Sang tới thập niên 1960, tại Nhật Bản xuất hiện hàng loạt các thiết kế bomber gắn patch hoặc thêu hoạ tiết Nhật. Phiên bản áo này được người Nhật gọi là sukajan - gọi lái từ tên tiếng Anh souvenir jacket - chiếc áo khoác kỷ niệm của quân đội Mỹ.

Nước Mỹ: Áo bomber được văn hoá hip hop vay mượn

Vào thập niên 70s và 80s tại Mỹ, âm nhạc hip hop và rap vô cùng thịnh hành trong giới trẻ. Giống như văn hoá Punk, những người đam mê thể loại này đã vay mượn trang phục quân đội.

Khác với Punk sử dụng trang phục quân đội nhằm thể hiện sự chống đối với giới cầm quyền, văn hoá hip hop thường gắn liền với những người có địa vị thấp trong xã hội, phần lớn là người da màu tại Mỹ. Trang phục quân đội, như áo rằn ri, áo khoác bomber, bốt cao cổ... khiến những người đam mê hip hop giống như nhóm “vũ trang không chính quy”.

Đây cũng là item thời trang quen thuộc của dân hip hop
Đây cũng là item thời trang quen thuộc của dân hip hop

Áo khoác bomber hiện đại 

Áo khoác bomber giờ đây đã trở nên vô cùng phổ biến trong giới thời trang hiện đại, cả nam và nữ đều có thể diện kiểu áo này. Các nhà mốt xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Dior... cũng thường xuyên cho ra mắt các thiết kế áo bomber, bởi vì chúng vừa sành điệu, tiện lợi, lại vừa dễ phối đồ. 

Áo khoác bomber đã trở thành trang phục sành điệu dành cho cả nam lẫn nữ
Áo khoác bomber đã trở thành trang phục sành điệu dành cho cả nam lẫn nữ
10 chiếc váy đắt tiền nhất lịch sử thời trang Váy cưới đã thay đổi thế nào trong hơn 100 năm qua? Khăn lụa Dior: Mảnh ghép không thể thiếu cho phong cách quý cô Paris
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp