Quần jeans là trang phục không thể thiếu của các tín đồ thời trang, bất kể là nam hay nữ. Và cũng khó có trang phục nào có khả năng phù hợp với mọi giới tính, độ tuổi giống như jeans. Bởi vậy, sự phổ biến của quần jeans đã lan rộng ra khắp thế giới và trở thành kiểu trang phục được ưa chuộng bất chấp mọi sự biến động của thời gian.
Vào năm 1850, khi cơn sốt đào vàng lan rộng trên toàn đất nước Mỹ, Levi Strauss - một người Đức nhập cư - đã sáng chế ra chiếc quần “waist overall” có đinh tán đồng nẹp chắc chắn ở những vị trí dễ rách như góc túi quần. Kiểu quần đó nhanh chóng gây sốt với giới cowboy, thợ mỏ, dân đào vàng nhờ sự chắc chắn, bền bỉ. Sau đó, Levi Strauss đã thành lập một công ty chuyên sản xuất quần jeans. Những chiếc quần của thương hiệu Levi’s 501 cũng trở thành huyền thoại và nổi tiếng tới tận ngày nay.
Vào những năm 1950, quần jeans mới thực sự trở thành một biểu tượng thời trang gắn với làn sóng nổi loạn của giới trẻ. Lúc bấy giờ, các thanh niên ương bướng và muốn khẳng định bản thân thông qua việc diện quần jeans. Trong phim ảnh, các nam diễn viên nổi tiếng như Marlon Brando trong The Wild One (1953) và James Dean trong Rebel Without a Cause (1955) cũng đã mặc quần jeans để thể hiện cá tính nổi loạn, đầy khiêu khích của nhân vật. Bing Crosby, ca sĩ nổi tiếng và thành công nhất nửa đầu thế kỷ XX, cũng từng gây xôn xao dư luận khi diện nguyên cây denim tới khách sạn.
Vào khoảng cuối thập niên 1950, quần jeans đã được bày bán rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Phụ nữ cũng mạnh dạn diện trang phục này sau hình ảnh Marilyn Monroe mặc kiểu quần jeans trông rất thoải mái trong bộ phim The Misfits (1961). Sang tới thập niên 1960, mặc cho trào lưu Mod với váy ngắn và phong cách Hippy đa màu sắc chiếm lĩnh làng thời trang, quần jeans không những không mất đi sự nổi tiếng mà còn thu hút được một thế hệ người hâm mộ mới. Các thiết kế trở nên rộng rãi, thoải mái hơn và được biến tấu như thêu, nhuộm và đắp mảnh... khiến denim trở thành trang phục thể hiện sự nổi loạn của giới trẻ đương thời.
Sang thập niên 70s, quần jeans thật sự gây sốt với kiểu quần loe đặc trưng mà cả nam lẫn nữ đều ưa chuộng. Trong khi đó, các nước nằm ngoài biên giới Mỹ và châu Âu lại cho rằng quần jeans lại gắn liền với “sự suy đồi kiểu phương Tây”. Điều này khiến rất nhiều tín đồ thời trang khó mua được quần jeans và họ phải viết thư yêu cầu các hãng gửi đồ cho mình.
100 năm sau khi ra đời, chiếc quần jeans từ một trang phục của người lao động lại trở thành biểu tượng gây bão trong làng thời trang. Nhờ tính tiện lợi và vẻ thời thượng, quần jeans đã thành công xâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội, trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa pop (văn hóa đại chúng) và xuất hiện trên sàn catwalk. Các biến tấu cũng lần lượt ra đời, như wash acid, wash đá, rách mòn... Các nhà thiết kế cũng cho ra mắt skinny jeans ôm lấy đôi chân để thay cho kiểu dáng thô, rộng trước đây. Lúc bấy giờ quần jeans chỉ có ba size cơ bản khiến nhiều người phải ngồi ngâm trong nước lạnh để chờ cho chiếc quần co lại vừa người.
Chiến dịch quảng cáo dòng sản phẩm Calvin Klein Jeans vào năm 1980 từng gây shock với công chúng. Cô người mẫu Brooke Shields lúc đó mới 15 tuổi đã diện một chiếc quần jeans ôm, phối với áo sơ mi nam xắn tay và nói một câu nổi tiếng: “You want to know what comes between me and my Calvin’s? Nothing” (tạm hiểu là: Không cần mặc quần trong khi mặc quần jeans của Calvin Klein). Giới truyền thông từng cấm quảng cáo này vì cho rằng nó quá gợi cảm tới mức gợi tình, nhưng cũng lại chính nó đã giúp đẩy doanh số của quần jeans Calvin Klein lên 2 triệu chiếc chỉ trong vòng một tháng.
Ngay sau khi Calvin Klein và Donna Karan xây dựng nên đế chế hàng hiệu ứng dụng với quần jeans là dòng sản phẩm chủ đạo, các thương hiệu thời trang lớn ở châu Âu cũng đồng loạt bắt tay vào sản xuất quần jeans. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm quần jeans lan rộng ra khắp thế giới và bước vào địa hạt thời trang cao cấp.
Năm 1999, các nhà mốt lớn như Chanel, Dior, Chloe, Versace đã đưa quần jeans vào trong BST thời trang của mình. Từ đó trở đi, jeans không ngừng xuất hiện trong BST của các thương hiệu. Năm 2009, nhà thiết kế Earl Pickens thậm chí còn mang trang phục này lên sàn diễn Haute Couture tại Paris, như cách để khẳng định rằng quần jeans cũng không hề thua kém bất kỳ trang phục sang trọng nào.
Dù các xu hướng thời trang thường đến rồi đi nhanh, nhưng quần jeans vẫn tồn tại như một item không thể thiếu trong tủ đồ của mỗi người. Đó cũng là lí do nhiều người tin rằng jeans có vị trí độc tôn trong thời trang mà không một loại trang phục nào có thể thay thế được.
Bình luận