Hành trình 35 năm đưa PNJ thành thương hiệu vàng bạc trang sức hàng đầu
Nói đến vàng bạc trang sức, in sâu vào tâm trí người Việt là PNJ. Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ là thương hiệu vàng bạc trang sức đầu tiên của Việt Nam đặt chân ra thị trường quốc tế.
Năm 2019, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ghi nhận mức lợi nhuận lịch sử đạt trên 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, PNJ đạt 17.000 tỷ đồng doanh thu. Kết thúc năm 2019, công ty mở cửa thêm 43 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng của doanh nghiệp lên con số 346.
Trong số hơn 364 cửa hàng thì có 288 cửa hàng PNJ Gold, 54 cửa hàng PNJ Silver. Không chỉ bán vàng bạc trang sức, thương hiệu này còn bán lẻ đồng hồ cao cấp với hệ thống 26 cửa hàng PNJ Watch.
Năm 2020, năm mà thị trường khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, PNJ bán vàng bạc trang sức, bán đồng hồ qua… livestream trên Facebook. Là doanh nghiệp lớn, nhưng PNJ cũng "chốt đơn online, ship tận tay khách". “PNJ đang phát trực tiếp…” Cách bán hàng trực tuyến này cho thấy sự năng động, thích nghi nhanh, chiến lược đúng của doanh nghiệp này.
PNJ là đế chế vàng bạc trang sức được xây dựng lên bởi bàn tay của bà Cao Thị Ngọc Dung. Bà Dung sinh năm 1957, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của PNJ. Không phải người điều hành nào ở độ tuổi trên 60 có thể thích ứng và vận dụng đươc chiến lược "bán hàng online" khi thị trường chịu nhiều tác động xấu, nhưng bà Dung thì ngay khi có dịch đã họp khẩn rồi lập tức đưa thẳng ra được giải pháp.
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh ra tại Quảng Ngãi trong 1 gia đình khá giả và đông anh chị em. Bà tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM rồi đảm nhận nhiều vị trí, sau đó trở thành Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận vào năm 1985.
Người ta vẫn luôn nhắc lại câu chuyện khi bà Dung đảm nhận vị trí này, tài sản của công ty chỉ có 7,4 lượng vàng. Hiện tại, sau 35 năm bà Dung gắn bó và điều hành doanh nghiệp, vốn hóa thị trường của PNJ là 14.600 tỉ đồng và vẫn đang ngày càng tăng.
Câu chuyện cho nhân viên livestream bán hàng không phải điều gì mới mẻ trong tinh thần, tư tưởng của PNJ, bởi bà Dung là người luôn mạnh dạn, tiên phong, năng động đón nhận cái mới. Từ những năm 1995, khi quyết định xây dựng chiến lược biến PNJ thành doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trang sức cao cấp, bà đã mời được những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này về làm việc để học hỏi.
25 năm gắn bó, toàn bộ sự thành công của PNJ được tạo nên bởi bàn tay, khối óc, sự điều hành với những quyết định đúng đắn, sáng suốt của bà Cao Thị Ngọc Dung. Những con số về tăng trưởng thị trường, sức nặng của thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ kế cận, chiến lược phát triển doanh nghiệp, bà Dung xây bằng cả trí tuệ và trái tim người phụ nữ.
Những yếu tố như việc PNJ luôn đề cao sự gắn bó với doanh nghiệp của người lao động, tạo cơ hội để thăng tiến, đầu tư vào đào tạo nhân sự, coi trọng sự đóng góp của những người lái xe, tạp vụ, hay cả việc từ rất lâu doanh nghiệp không có sự phân biệt, tôn trọng người thuộc cộng đồng LBGT... cũng đều có dấu ấn rất phụ nữ của bà Ngọc Dung.
Một cuộc đời nhiều biến cố
Một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á, một trong 8 người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, nhưng đó cũng chưa đủ để người ta gọi bà Cao Thị Ngọc Dung với những cái tên như “người đàn bà thép”, “nữ hoàng vàng bạc trang sức”. Điều khiến bà Dung trở thành “nữ tướng” được nhiều người khâm phục là cách mà người phụ nữ này đã đứng vững, đã vượt qua trước những biến cố cuộc đời.
Năm 2000, bà Cao Thị Ngọc Dung bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư, và bà đã phải vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa tiếp tục điều hành doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT của PNJ từng có chia sẻ rằng còn ở trên thương trường ngày nào là còn chiến đấu hết mình, nỗ lực hết mình. Bà cũng chia sẻ về một cuộc sống bình dị với việc sáng dậy tập thể dục, tối không bỏ bữa cơm gia đình, người phụ nữ dù thế nào vẫn luôn là người giữ lửa tổ ấm.
Giai đoạn năm 2013-2014, những bức ảnh gia đình của bà Cao Thị Ngọc Dung là 5 thành viên tươi cười bên nhau, với 3 cô con gái. Đến năm 2015, ông Trần Phương Bình – chồng bà bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á và đến năm 2016 thì bị khởi tố. Cho đến tận thời điểm này, những trải nghiệm khách hàng cá nhân, mô hình phòng giao dịch tự động của Ngân hàng Đông Á vẫn còn gây được thiện cảm cho khách hàng. Đó cũng là những dấu ấn đề lại của ông Trần Phương Bình, vốn từng là một ông giáo giảng dạy kinh tế.
Biến cố gia đình như vậy, tưởng chừng bà Ngọc Dung sẽ suy sụp, nhưng tinh thần của bà vẫn vững vàng, doanh nghiệp cùng hàng nghìn người lao động phía sau vẫn ổn định và phát triển.
Thừa hưởng từ bố mẹ, những cô con gái của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung đều giỏi giang. Trong đó nổi tiếng nhất là con gái thứ hai Trần Phương Ngọc Thảo, một trong những nữ sinh viên Việt Nam được các giáo sư đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard. Hai con gái Trần Phương Ngọc Hà và Trần phương Ngọc Giao đều nằm trong số những người nằm trong số những người phụ nữ giàu trên sàn chứng khoán, nắm giữ nhiều cổ phiếu của PNJ. Tuy vậy, quan điểm của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn là con cái phải luôn học hỏi, phải đào tạo chính mình qua công việc để có thể trở thành đội ngũ cận kề đủ năng lực.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, PNJ ghi nhận 1.812 tỷ đồng doanh thu thuần và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng của năm 2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 15.305 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 939 tỷ đồng. Kênh bán lẻ vẫn đóng góp chính vào doanh thu của PNJ và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, “Nữ tướng vàng bạc” Cao Thị Ngọc Dung vẫn là vị thuyền trưởng bản lĩnh điều hành PNJ trên con đường khát vọng chinh phục thị thường quốc tế.
Bình luận