Thái Bình đâu chỉ gắn liền với chùa Keo, đền Trần cổ kính, linh thiêng,... mà du khách sẽ còn vô cùng ấn tượng với nét ẩm thực đậm dân dã, đậm chất quê hương ở nơi đây. Trong đó các món ngọt của Thái Bình cũng rất đa dạng, nào bánh nghệ, bánh gai còn có bánh cáy vô cùng nổi tiếng.
Tên gọi của loại bánh này xuất phát từ hình thức của bánh vốn có những mảng vàng cam đan xen gợi nhớ đến trứng cáy. Dù vậy bánh cáy chẳng liên quan gì đến con cáy cả. Nguyên liệu chính để làm bánh cáy chính nếp cái hoa vàng.
Loại nếp này được ngâm rồi trộn với gấc đỏ, đồ thành xôi rồi ép dẻo và xắt ra thành những hay lựu. Cuối cùng là những hạt nếp này được đem đi phơi khô để có được màu vàng giống như trứng của con cáy. Ở Thái Bình, có nhiều nơi làm bánh cáy, tuy nhiên nổi tiếng nhất thì vẫn phải là từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, Đông Hưng. Bánh cáy tuy giản dị thế nhưng lại cần có quy trình làm tỉ mỉ và công phu.
Ngoài ra các nguyên liệu khác để làm ra bánh cáy còn có mỡ lợn, vừng, lạc rang, gừng, cà rốt, vỏ quýt. Mỗi nguyễn liệu mỗi kiểu sơ chế cầu kỳ riêng chẳng hạn lạc cần rang chín, xát vỏ còn gừng, cà rốt, vỏ quýt tươi thì xào đường.
Rồi mỡ lợn. Để có thể làm ra được mẻ bánh cáy ngon miệng thì trước đó chừng ít nhất là nửa tháng, mỡ lợn phải được thái nhỏ theo kiểu hạt lựu và ướp cùng đường để cho ngấm. Tiếp đó, đến gần lúc làm bánh, mỡ lợn sẽ được đem đi xào tới khi phần mỡ đạt tới độ giòn và trong.
Riêng với gạo nếp, loại nếp để làm bánh bắt buộc phải là nếp cái hoa vàng thơm dẻo thì thành phẩm mới thực sự là ngon chuẩn vị. Nếp sẽ chia thành 3 phần gồm 1 phần làm bỏng (hay còn gọi là làm mẻ), 2 phần làm xôi. Phần gạo để nấu xôi sẽ chia thành đôi, một nửa nấu xôi gấc để có màu đỏ, còn một nửa đem nấu với quả dành dành để có màu vàng.
Nấu cho hai loại xôi này được chín đều thì người ta sẽ trộn chung với nhau rồi sau đó giã cho nhuyễn. Khi hỗn hợp đã được quyện đều, người làm sẽ tiếp tục cán ra cho mỏng và cắt thành lát rồi sấy khô. Còn với phần gạo nếp còn lại sẽ được đem đi rang chín thành bỏng bung rồi tiếp đó sàng lại cho sạch để có một mẻ nẻ thơm dậy mùi.
Khi bước sơ chế đã hoàn thành, người nấu sẽ mang hỗn hợp này đi trộn đều lên cùng với mật mía rồi đổ vào trong chảo. Đảo thật đều tay hỗn hợp này cho đến khi được dậy mùi thì múc ra khuôn gỗ (đã lót vừng ở trong sẵn) để tạo hình. Khi bánh đã cứng thì lấy bánh ra khỏi khuôn rồi rắc phần vừng ra bên ngoài mặt bánh.
Thành phẩm là những chiếc bánh cáy đảm bảo được độ ngọt, mùi thơm từ vừng, lạc rang, vị ngậy ngậy mỡ, độ giòn của bỏng và vị cay tê từ gừng tươi,... Chỉ cần cắn thử một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận rõ ràng được sự quyện hoà trọn trịa giữa các hương vị thơm, ngậy, dẻo bùi.
Ẩn sâu trong mỗi miếng bánh cáy là một quá trình công phu, tỉ mẩn nhưng lại rất đỗi chân chất, bình dị của người dân làng Nguyễn. Nếu như có dịp được đặt chân tới mảnh đất Thái Bình, bạn đừng quên thưởng thức món bánh cáy ít nhất một lần để có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị mà món bánh này đem lại nhé!
Bình luận