Tiến sĩ Niloufar Sharif thuộc Viện Công nghệ Lausanne, Thụy Sĩ, đã sử dụng công nghệ nano để tạo ra hệ thống cảm biến từ các ống cacbon siêu nhỏ. Loại cảm biến này có khả năng nhận diện khi thực phẩm bị ôi thiu, không còn sử dụng được theo thời gian thực.
Một trong những cách mà cảm biến này hoạt động là đo nồng độ pH của thực phẩm để cảnh báo mức độ phân hủy. Thực phẩm an toàn để sử dụng có độ pH là 7, nếu độ pH này thay đổi, cảm biến sẽ cảnh báo cho người quản lý hoặc các cửa hàng phân phối thực phẩm biết ngay cả khi nó chưa hết hạn sử dụng, hoặc đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn có khả năng sử dụng.
Nghiên cứu này của tiến sĩ Sharif được chọn là một phần của "Sáng kiến lương thực tương lai" và đang chờ xây dựng phòng thí nghiệm cho giai đoạn đầu tiên.
Trước đó, hai giáo sư Cornelia Gabriela Palivan và Ozana Fischer của Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã phát minh ra bao bì thông minh sử dụng công nghệ "con nhộng", hoạt động như một tín hiệu đèn giao thông để thông báo về tình trạng tươi mới của sản phẩm. Khi bao bì hiện nhãn xanh, thực phẩm vẫn đang còn tốt, còn khi bao bì hiện nhãn đỏ, thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu.
Việc nghiên cứu và ứng dụng bao bì thông minh vào thực tế rất quan trọng, một phần nó giúp đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mặt khác giúp chống lãng phí. Rất nhiều thực phẩm được dán nhãn "date" ngắn hơn thời gian sử dụng thực với mục đích kích cầu khả năng chi tiêu của người dân, dẫn tới tình trạng nhiều thực phẩm chưa hỏng đã bị vứt bỏ vì hết date do nhà sản xuất ghi trên nhãn.
Bình luận