Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, ngày 9/10, bệnh nhân đến viện trong tình trạng tổn thương da mặt nặng. Trên da nhiều vết sẹo làm giảm sắc tố, bị rám cả mảng rộng hai bên má, vết nám sâu, có thể do sử dụng năng lượng quá lớn để điều trị trước đó. "Chị đến với chúng tôi trong tâm trạng căng thẳng, nói rằng đây thực sự là niềm tin cuối cùng vì đã điều trị quá nhiều và tốn nhiều tiền", bác sĩ nói.
Khoa Laser và Săn sóc da đã điều trị cho rất nhiều trường hợp tương tự chị Tâm. Lứa tuổi của người bệnh đa dạng, có người còn rất trẻ, có người chỉ vừa sinh con đầu lòng. Da mặt các bệnh nhân đã bị tổn thương như có sẹo, rát, tăng hoặc giảm sắc tố.
Theo bác sĩ Thành, rám da là hiện tượng tăng sắc tố thường gặp, xuất hiện ở cả hai giới nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ. Chứng nám da có thể tồn tại lâu cho tới khi phụ nữ mãn kinh. Biểu hiện rám rất đa dạng, ví dụ dát nâu hoặc dát nhè nhẹ ở hai má hoặc lốm đốm nám và sâu...
Đây là bệnh lành tính, không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe song khiến chị em phụ nữ tự ti, ngại giao tiếp, từ đó mất đi cơ hội thành công trong cuộc sống.
Bản thân rám má có quá trình điều trị dài, thường mất vài tháng. Phương thức điều trị được quyết định trên tình trạng rám da của phụ nữ, có thể dùng thuốc hoặc kết hợp thuốc với điều trị bằng công nghệ cao. Bác sĩ khẳng định chi phí điều trị rám má tại bệnh viện không đắt đỏ tới mức vài trăm triệu đồng.
Mới đây, Viện cũng điều trị một bệnh nhân nữ, ngoài 30 tuổi, gặp biến chứng sau 6 tháng sử dụng kem trộn làm trắng da mua trên mạng. Da mặt bệnh nhân bị đốm đen trắng như cái bánh đa vừng, da mỏng, ngứa, mạch máu nổi rõ trên gương mặt. Bác sĩ tiên lượng việc điều trị sẽ kéo dài từ 6 tháng đến một năm để khắc phục hậu quả do kem trộn gây ra.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
Bình luận