Các đại gia Việt lần lượt chuyển giao quyền lực cho con cái

Thanh Pham Đăng lúc: Thứ tư, 14/10/2020 11:57 (GMT +7)
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Việt Nam, 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại được đến thế hệ thứ 2, tồn tại đến thế hệ thứ 3 là 12%.

Thế nào được coi là một doanh nghiệp gia đình?

Tìm ra định nghĩa chính xác cho câu hỏi trên không đơn giản, nhưng có thể hiểu là một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp gia đình khi có ít nhất 2 thành viên trở lên có quyền sở hữu và quyền kiểm soát doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp gia đình cũng chính là hình thái doanh nghiệp cổ xưa và lâu đời nhất trên thế giới.

Một định nghĩa khác hiện đại hơn được đưa ra là, một doanh nghiệp gia đình tức là phần lớn cổ phần của doanh nghiệp đó được nắm giữ bởi gia đình đó. Mọi quyết định quan trọng của doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình, đồng thời, phải có sự chuyển giao hoặc chuẩn bị chuyển giao giữa các thế hệ trực hệ trong gia đình về quyền kiểm soát, điều hành và lợi ích của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gia đình là mô hình kinh doanh truyền thống và lâu đời tại Việt nam và thế giới.
Doanh nghiệp gia đình là mô hình kinh doanh truyền thống và lâu đời tại Việt nam và thế giới.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và công nghệ Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp 25% GDP của cả nước. Trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình như VinGroup, Vietjet, Thành Thành Công, KIDO, Tập đoàn Doji, Alphanam, Tân Hiệp Phát…. cùng với những cái tên quen thuộc như bầu Hiển T&T, ông Phú Doji, ông Thanh Tân Hiệp Phát, bầu Đức Hoàng Anh Gia Lai…

Làn sóng chuyển giao và sự hình thành lớp doanh nhân trẻ kế cận

Tục ngữ Việt nam có câu “Con vua thì lại làm vua”, việc quyền lực được trao tay “cha truyền con nối” là chuyện hết sức tự nhiên tại các đế chế kinh doanh có truyền thống lâu đời. Những nhà sáng lập, những đầu tàu gây dựng nên doanh nghiệp như ông Thanh ở Tân Hiệp Phát, ông Phú ở Doji hay bà Dung ở PNJ… sớm muộn cũng đi đến giai đoạn chuyển giao lại quyền lực và cơ nghiệp cho thế hệ con cháu. Tuy nhiên xây dựng và duy trì tăng trưởng một doanh nghiệp gia đình qua nhiều thế hệ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là tại các nước Đông Á.

Nhìn vào số liệu thống kê của Viện nghiên cứu doanh nghiệp Việt Nan, không thể không quan ngại khi tỷ lệ thất bại trong việc chuyển đổi doanh nghiệp gia đình sang thế hệ thứ hai khá cao, chỉ 30 % thực hiện thành công. Tỷ lệ này chỉ còn 12% khi chuyển giao tới thế hệ thứ ba.

Sự khác biệt về tư duy giữa các thế hệ, sự thay đổi của thị trường biến đổi, yếu tố giáo dục gia đình và nhiều yếu tố khác có thể gây khó khăn cho việc chuyển đổi hiệu quả. Chính vì thế, việc chủ động bắt tay vào một quá trình chuẩn bị những người thừa kế và tạo ra một lộ trình kế vị rõ ràng, có tầm nhìn chiến lược, sẽ tăng cơ hội cho gia đình và doanh nghiệp tiếp tục thành công và phát triển sau nhiều chục năm, thậm chí là trăm năm như các doanh nghiệp gia đình ở phương Tây đã làm được.

Sức bật mạnh mẽ và luồng gió mới đến từ thế hệ kế cận

Lớp doanh nhân “ngôi sao” mới nổi tại các doanh nghiệp gia đình hiện nay có nhiều điểm tương đồng với nhau. Đó là việc họ sớm tiếp xúc với nền văn hóa và cách xử lý công việc của phương Tây qua thời gian học tập và tu nghiệp tại nước ngoài, có khả năng nắm bắt xu thế hiện đại của thế giới với tư duy cởi mở để đưa ra các quyết sách và định hướng kinh doanh sáng tạo, đột phá.

Từ trái qua phải: ông Trần Hùng Huy, bà Vưu Lệ Quyên, ông Lê Viết Hiếu.
Từ trái qua phải: ông Trần Hùng Huy, bà Vưu Lệ Quyên, ông Lê Viết Hiếu.

Về độ tuổi, đa số đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 7x đến cuối 8x. Có thể kế đến những cái tên sáng giá như: ông Trần Hùng Huy (1978), hiện là Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, lấy bằng MBA tại Mỹ; bà Đặng Huỳnh Ức My (1981), hiện giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT SBT, theo học quản trị kinh doanh và tài chính tại New Zealand; ông Đỗ Quang Vinh (1989), hiện là tổng giám đốc T&T tại Mỹ, Phó giám đốc khối bán lẻ ngân hàng SHB, từng du học tại Singapore và hoàn thành chương trình thạc sỹ tại Anh… Họ cùng nhiều cái tên khác nữa là những điển hình tiêu biểu đại diện cho lớp kế cận tài năng và nhiều tham vọng của các doanh nghiệp gia đình.

Thế nhưng, con đường để tiếp nhận quyền lực của các  “con ông cháu cha” này cũng không phải chỉ toàn hoa hồng. Để đảm bảo một cách chắc chắn nhất và giảm thiểu tỷ lệ rủi ro xảy ra khi kế nghiệp, đa phần các doanh nhân trẻ trên đều chọn con đường đi lên từng bước, trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau trong doanh nghiệp trước khi chính thức tiếp nhận các vị trí then chốt trong ban lãnh đạo. 

Từ trái qua phải: ông Đỗ Quang Vinh, bà Đặng Huỳnh Ức My, bà Trần Phương Ngọc Thảo.
Từ trái qua phải: ông Đỗ Quang Vinh, bà Đặng Huỳnh Ức My, bà Trần Phương Ngọc Thảo.

Như ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, tham gia hoạt động công ty từ khi còn là sinh viên, đã từng trải qua các vị trí từ nhân viên, trợ lý Tổng giám đốc … trước khi giữ chức vụ giám đốc công ty TNHH thương mại và đầu tư Đại Phong. Ông Trần Hùng Huy (ACB) từng là chuyên viên nghiên cứu thị trường, bà Vưu Lệ Quyên từng làm thư ký, trợ lý tổng giám đốc trước khi tiếp quản vị trí CEO của Biti’s… Chính những quãng thời gian trải nghiệm nhiều vị trí như này đã giúp họ hiểu rõ và sâu hơn về truyền thống kinh doanh của gia đình, nắm được các giá trị cốt lõi và đưa ra được định hướng phát triển đúng đắn sau khi tiếp quản các vị trí cao hơn trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những cái tên “ngoại lệ” khi tiếp nhận các vị trí cấp cao, thậm chí là đầu tàu của doanh nghiệp khi còn rất trẻ như ông Đỗ Quang Vinh (T&T group, ngân hàng SHB) tiếp nhận vị trí Phó giám đốc khối bán lẻ ngân hàng SHB khi mới 31 tuổi, bà Trần Phương Ngọc Thảo trở thành Giám đốc Chuyển đổi số hoá và trúng cử Hội đồng quản trị PNJ ở độ tuổi 36. Thậm chí cá biệt là trường hợp bà Đặng Huỳnh Ức My trở thành Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công khi mới 28 tuổi, là “nữ chủ tịch” trẻ nhất Việt nam. Gần đây còn có ông Lê Viết Hiếu đảm nhận vị trí trong HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình khi mới ở độ tuổi 28.

Rất nhiều nhân vật 'tuổi trẻ tài cao' thành công trên con đường giữ lửa cho doanh nghiệp của gia đình tiếp tục phát triển.
Rất nhiều nhân vật "tuổi trẻ tài cao" thành công trên con đường giữ lửa cho doanh nghiệp của gia đình tiếp tục phát triển.

Tất cả những cái tên kể trên, dù chỉ là vài ví dụ điển hình cho quá trình chuyển giao quyền lực trong các doanh nghiệp gia đình và không phải mọi cuộc chuyển giao đều là thành công và có kết quả như ý, nhưng chính họ, những doanh nhân “dám nghĩ, dám làm” đã góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc của quá trình chuyển giao thế hệ đang diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt nam.

Doanh nghiệp mì gói bội thu nhờ Covid-19 Vinamilk và Vingroup vươn lên dẫn đầu Top 10 thương hiệu tại Việt Nam
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp